Chùa La Hán - Bức tranh cổ tích giữa vùng đất Tây Nam Bộ

Nếu như vẻ đẹp tôn giáo được ví như là một kho tàng châu báu, thì Sóc Trăng sẽ là một nơi giàu nhất thế gian. Bởi đây là nơi sở hữu trọn vẹn nền văn hóa độc đáo của ba dân tộc Hoa, Kinh và Khmer, Sóc Trăng, với những công trình kiến trúc đa dạng và đặc sắc bằng những lối thiết kế đầy nghệ thuật mà khó nơi nào có được. Trong bài viết này, Ximgo sẽ mang đến cho các bạn một vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng tiếp theo, đó chính là chùa La Hán đầy linh thiêng giữa vùng đất Tây Nam Bộ này.

1. Giới thiệu về chùa La Hán

Chùa La Hán tọa lạc tại xóm Cầu Đen, phường 8, thành phố Sóc Trăng. Tương truyền ngày xưa đồng bào Hoa trong xóm vì muốn cầu nguyện nhân dân an lành, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận tiến, nên lập một lều tranh thờ phượng chư Phật, trong đó có hình của 18 vị La hán, nên tên chùa có tên gọi La Hán là vì thế!

Chùa được xây từ năm 1952, là một căn nhà lá, vách ván do người Hoa Triều Châu quản lý. Năm 1956, cơn bão lớn đã vô tình thổi sập túp lều ấy. Thấy thế, chư thiện tín đã xây lại đền Phật bằng gạch ngói. Sau đó, đến năm 1990, dưới sự đóng góp của thiện tín đã xây nên ngôi chùa khang trang như ngày nay.

2. Cách đi đến chùa La Hán

Tọa lạc tại xóm Cầu Đen, phường 8, thành phố Sóc Trăng, để đi đến chùa La Hán từ đường Tôn Đức Thắng, các bạn quẹo phải vào đường Đặng Văn Viễn đến con hẻm nhỏ mang tên xóm Cầu Đen đi khoảng 200m nữa là đến.

Xem thêm bản đồ dưới đây:

3. Vẻ đẹp của chùa La Hán

Trước chùa là một hoa viên đẹp mang đến cho ngôi chùa sự thoáng đãng và dễ chịu. Nhìn chung diện tích ngôi chánh điện không lớn nhưng rất thoáng, chùa có 2 tầng, gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau, trên mỗi góc mái có trang trí hoa văn theo kiến trúc nghệ thuật dân tộc Hoa. Tầng trên thờ phụng Phật Thích Ca, Thập Bát La Hán, Thái Thượng Lão Quân và chư Bồ Tát. Tầng dưới thờ phụng Thiên Hậu Nương Nương, Bạch hầu Công, Ôn Thần và chư Tiên Cô, Tiên Hữu. Khuôn viên sân chùa có thờ tượng Phước Đức Lão Ông, Phật Bà Quan Âm, kết hợp của cảnh vật như ao sen, núi Phổ Đà, đèn bát bửu, các tượng tạc rồng phượng, ngọc kỳ lân, hồ rùa và ngôi đình tạo nên phong cảnh thanh bình và thoáng mát. Mọi cảnh vật, không gian đã góp phần tạo nên cho ngôi chùa một sắc thái hài hòa, thanh nhã.

Chùa La Hán thu hút đông đảo Phật tử, du khách đến chiêm bái nhiều nhất là vào các dịp lễ, tết như lễ chùa vào các ngày đầu năm Tết âm lịch, rằm tháng Giêng, lễ Vu Lan... Vào ngày lễ Vu Lan, nhà chùa cũng tổ chức những hoạt động cứu trợ, tương thân tương ái, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như phát gạo cho người nghèo, rút thăm trúng thưởng là những phần quà như lồng đèn, gạo..., tài trợ cho quỹ nhà tình thương, quỹ vì người nghèo... cho các gia đình gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, chùa còn tổ chức những nghi thức lễ rước đèn, bửu tháp và bánh phước mang điều lành đến cho mọi người và hoạt động hát Quảng theo truyền thống để phục vụ cho Phật tử đến chiêm bái. Ngoài ra, Chùa đã cho xây dựng nhà bếp, nhà vệ sinh nam, nữ riêng rất sạch sẽ, để phục vụ du khách khi đến viếng chùa. Ngày nay, chùa La Hán thu hút khá đông du khách đến viếng không chỉ vào những ngày lễ thường niên và cả những ngày cuối tuần hay mùng một và ngày rằm âm lịch hàng tháng.

Chùa La Hán không chỉ là nơi để mọi người trút bỏ những lo toan, buồn phiền trong cuộc sống, hòa mình vào thế giới tâm linh mà đây còn là điểm thu hút nhiều du khách bởi cảnh đẹp của các công trình kiến trúc trước khoảng sân rộng của chùa. Với cảnh sắc thanh tịnh, tao nhã, với những vật thể kiến trúc đẹp mắt, đến nơi đây chắc hẳn các bạn có những ấn tượng đẹp khó phai.

4. Ăn gì khi đến chùa La Hán?

4.1 Mì sụa

Màu sắc vàng óng của những sợi mì sụa chắc chắn sẽ mê hoặc các bạn, với nguyên liệu chính từ đậu nành những sợi mì dường như trở thành một món ăn ngon khi được xào chung với các loại rau, nấm và hải sản hoặc thịt lợn, thịt gà khi ăn kèm thêm nước tương, nước mắm. Bên cạnh đó, với hương vị ngọt của mì sụa người ta cũng chế biến thành những món ăn lạ khác như chè, cùng với trứng gà luộc rất lạ miệng

4.2 Bánh ống

Đây là món ăn vặt quen thuộc của hầu hết người dân tại Sóc Trăng, bánh ống được chế biến từ bột gạo xay nhuyễn trộn với lá dứa, nước đường, cốt dừa. Sau đó dồn vào ống tre hoặc ống nhôm và mang hấp cách thủy. Với hình dáng ống tròn, dài thơm mùi lá dứa và dừa nạo, thưởng thức bánh ống vào lúc còn nóng bạn sẽ thật sự cảm thấy vô cùng yêu thích.

4.3 Bánh Cóng

Hương vị đặc trưng đầy nét cuốn hút của bánh cóng dễ dàng làm bất cứ ai cũng phải mê mẩn: béo mỡ, bùi đậu xanh, đậu nành, ngọt tôm, thơm thịt, đậm đà gia vị lại còn man mát cay cay hăng hăng các loại rau. Với vỏ bánh được làm từ bột gạo, bột đậu nành, nhân bánh là thịt heo băm, tôm… được trộn lẫn tinh tế và mùi vị thơm ngon thật khác biệt. Từng chiếc bánh vàng ruộm, ăn kèm với nhiều loại rau sống đơn giản nhưng lại mang đến cho bạn những hương vị độc đáo khi thưởng thức.

Vậy là Ximgo đã mang đến cho các bạn những thông tin về ngôi chùa La Hán cho chuyến du ngoạn đến Sóc Trăng thêm phần hoàn hảo hơn rồi! Hy vọng rằng, vẻ đẹp tựa như bức tranh cổ tích của ngôi chùa linh thiêng này, cùng với những tuyệt phẩm ẩm thực đáng giá, chắc chắn rằng sẽ mang đến cho các bạn những sự trải nghiệm tuyệt vời nhất!

Đọc thêm bài viết "Ghé thăm ngôi chùa Mã Tộc tâm linh bậc nhất Sóc Trăng - Chùa Dơi"

Nguồn ảnh: internet/ IG

#du lịch Sóc Trăng #Giới thiệu về chùa La Hán #Cách đi đến chùa La Hán #Vẻ đẹp của chùa La Hán #Ăn gì khi đến chùa La Hán

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Giang
Giới thiệu về tác giả: Cô gái đến từ HAT