Đèo Mã Pí Lèng - Bí Mật Con đường Hạnh phúc
Mã Pí Lèng được biết đến như là một "Biểu tượng của Hà Giang" với danh lam thắng cảnh đầy hùng vĩ. Nhưng ít ai biết được đằng sau con đường đầy cam go, hiểm trở này còn ẩn chứa một lịch sử đầy cảm động của sự đoàn kết của dân tộc ta, được lưu truyền qua nhiều thập kỷ.

1. Đèo Mã Pí Lèng - Con đường hiểm trở
Nằm trên địa phận của Pải Lủng và Pa Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, con đèo Mã Pí Lèng không chỉ được xem như là đường giao thông chính, liên kết giữa ba tỉnh: Đồng Văn - Thị trấn Mèo Vạc - Hà Giang mà còn là "cầu nối" giữa các tỉnh miền núi Tây Bắc với các tỉnh khu vực miền xuôi.
Nằm trải dài trên QL4C, đèo Mã Pí Lèng có độ cao lên đến 1.400m, được ghi danh vào danh sách "Tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam và là con đường nguy hiểm bậc nhất Việt Nam khi sở hữu nhiều khúc cua tay áo đầy hiểm trở trên suốt 20km đường đèo.
Đến với Mã Pí Lèng, bạn không chỉ được thỏa mãn niêm đam mê khám phá thiên nhiên và chinh phục núi rừng, mà còn được đắm chìm trong khung cảnh trời đất rộng mênh mông đầy hùng vĩ, ngắm nhìn bức tranh khung cảnh của bộ ba kỳ quan Mã Pí Lèng - Hẻm Tu Sản - Sông Nho Quế.

2. Đèo Mã Pí Lèng - Con đường Hạnh phúc
Sở dĩ con đường này được đặt tên là con đường Hạnh Phúc vì nó ẩn chứa niềm cảm xúc vỡ òa của những con người quả cảm khi nhìn thấy thành quả của mình là con đường trải dài 20km bắt ngang núi non hiểm trở sau khoảng thời gian dài lao động đầy vất vả.

Hiện nay, khi đến đèo Mã Pí Lèng tham quan, du khách vẫn còn nhìn thấy tấm bia đá khắc dòng ghi nhớ và cảm ơn công sức của những người thanh niên trong đội tình nguyện đã không quản thân mình, bất chấp hiểm nguy, treo mình trên vách núi cheo veo, mở từng xen-ti-met (cm) đường núi.
Trên tấm bia có ghi: " Thanh niên 8 tỉnh, 16 dân tộc, đã mất 11 tháng theo mình trên vách đá để mở được chút đường qua Mã Pí Lèng...", "... Mất hơn 2 triệu ngày công, với bao nhiêu sy sinh thì con đường Hạnh phúc được khai sinh..."

Đường được khởi công vào ngày 29/3/1959 và sau hơn 6 năm, ngày 15/06/1965 thì con đường chính thức được hoàn thành.
Theo như một số tài liệu lịch sử có ghi, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ dành được thắng lợi, Trung ương kêu gọi những thanh niên trẻ, đem sức trẻ vào việc xây dựng đất nước đã quy tụ hơn 1.300 dân công đều là thanh niên trai tráng của 16 dân tộc thuộc 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Hưng, Nam Định.
Mỗi người mỗi một việc, người cậy đá, người đục vách, người khuân vác, tất cả đều được làm bằng những công cụ thô sơ, không có sự hỗ trợ nào của máy móc và thiết bị hiện đại. Vậy mà những con người trong đội cảm tử đã dùng sức người đục từng thớ đá, từng lỗ mìn để mở được con đường Hạnh Phúc ngày hôm nay.

Theo như ghi lại, điều kiện ăn ở của những dân công ở đây vô cùng thiếu thốn. Mỗi ngày, họ sẽ được nhận 1kg gạo, tương đương với 1 ngày công làm việc và ở trong những cái lán được dựng một cách rất tạm bợ. Bên trong những cái lán này đều đặt 10 chiếc quan tài dùng để truy điệu sống những con người ở đây trong từng ngày làm việc.
Ban đầu, con đường chỉ đủ rộng cho một người đi bộ và xe ngựa thồ đi ngang. Sau này, theo sự phát triển, đèo Mã Pí Lèng đã có được mở rộng cho cả xe oto. Tuy nhiên, lòng quyết tâm, cùng tinh thần quả cảm của những người thanh niên xung phong như vẫn còn hừng hực ngay trên tuyến đường hiểm trở này.
3. Thành quả sau những ngày tháng gian khổ
Có thể nói, công sức của những con người quả cảm đã bỏ cả xương máu và tính mạng của mình cuối cùng cũng đã được đền đáp xứng đáng khi ngày nay, con người nhắc tới đèo Mã Pí Lèng như nhắc tới một biểu tượng đầy kỳ vĩ bằng cả sự khâm phục, khao khát và ngưỡng mộ.

Những đoạn đường dốc thẳng như sống mũi con ngựa đã được trải nhựa bằng phẳng, con người tìm tới Mã Pí Lèng như tìm tới một cảnh quan đất trời hùng tráng, chiêm ngưỡng vẻ thô sơ, kỳ vĩ của núi non Việt Nam bằng sự ưu ái và tự hào.
Sau nhiều thập kỷ, đèo Mã Pí Lèng đã trở thành một điểm đến du lịch đầy lý tưởng cho những người trẻ yêu thiên nhiên và mê khám phá. Với một bên là vách núi cao sừng sững, hướng ra ngoài bầu trời rộng mênh mông, phủ đầy sương trắng. Phía dưới, dòng sông Nho Quế chảy hiền hòa, trong xanh màu ngọc bích, uốn lượn dưới chân núi hiểm trở, bên cạnh là hẻm vực Tu Sản, một cao nguyên đá được mệnh danh là "Đệ nhất hùng quan" của Việt Nam.

Đèo Mã Pí Lèng sau những năm tháng khổ cực, hy sinh của biết bao nhiêu con người đã là một dấu ấn vàng son trong địa lý nước Việt ta, không chỉ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vang danh là Di tích Danh lam thắng cảnh quốc gia mà còn được UNESCO gọi tên là "Công viên địa chất toàn cầu", thu hút biết bao nhiêu khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và chiêm ngưỡng.
Đừng quên xem ngay: Kinh nghiệm Du Lịch Hà Giang phải biết nhé!