Du lịch chùa Tây Phương - Cách đi, Điểm vui chơi, Lưu ý
1. Điểm qua một vài nét về chùa Tây Phương
Chùa Tây Phương có tên chữ là "Sùng Phúc Tự", toạ lạc trên một ngọn đồi có độ cao khoảng 50m, được gọi là đồi Câu Lậu (tên thường gọi là đồi Tây Phương) của huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngôi chùa nằm an yên, tĩnh lặng giữa cảnh sắc thiên nhiên bao la, hùng vĩ của đồi. Khi đến thăm chùa, du khách sẽ cảm nhận được sâu sắc những nét cổ kính, thâm nghiêm cùng những vết tích thời gian xưa cũ vẫn còn lắng đọng lại tại nơi đây.
Nguồn gốc ra đời của Sùng Phúc Tự gắn liền với một truyền thuyết về quá trình Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam. Tuy nhiên trải qua một vài thế kỷ, câu chuyện kể về nguồn gốc của chùa lại được "bẻ lái" theo một cách khác. Lần này có xuất hiện một nhân vật tên Cao Biền - người đảm nhiệm chức Tiết độ sứ thời Đường (864 - 868), phụ trách việc cai trị miền đất An Nam xưa. Cao Biền đã đến đây để xây dựng một kiến trúc tôn giáo, với mục tiêu ngăn chặn nguồn long mạch của mảnh đất này.
Tuy nhiên, truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết, được người dân truyền miệng lại qua nhiều đời, còn chứng tích rõ ràng nhất có liên quan đến Tây Phương cổ tự đích xác có từ thời Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561). Vào thời điểm này, chùa được xây dựng như quy mô hiện nay. Trải qua các đời vua Lê Thần Tông, chúa Tây Vương Trịnh Lạc, vua Lê Huy Tông, chùa vẫn tiếp tục được tu sửa, nhưng về cơ bản, chùa vẫn giữ được những nét cổ kính như hiện nay.
Chùa Tây Phương vào năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó có 34 pho tượng được công nhận là bảo vật quốc gia

Địa chỉ: Núi Câu Lậu, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
2. Hành hương tới Tây Phương cổ tự
Toạ lạc ngay tại huyện Thạch Thất thuộc vùng ngoại ô thành phố Hà Nội, du khách khi đến đây có thể lựa chọn các phương phức di chuyển khác nhau như xe máy, xe bus, ô tô,... Dưới đây là cách di chuyển đối với mỗi loại hình phương tiện mà Ximgo sưu tầm để các bạn có thể tham khảo.
2.1. Di chuyển bằng xe bus
Nếu như muốn tiết kiệm chi phí đi lại hiệu quả, du khách muốn đến đây có thể lựa chọn di chuyển bằng xe bus với các tuyến bus như sau.
- Tuyến xe bus số 74: Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh → Tuyến xe bus số 89: Bến xe Yên Nghĩa - Thạch Thất - Bến xe Sơn Tây.
- Tuyến xe bus số 02: Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa → Tuyến xe bus số 89: Bến xe Yên Nghĩa - Thạch Thất - Bến xe Sơn Tây.
- Tuyến xe bus số 19: Trần Khánh Dư - Công viên Thiên Đường Bảo Sơn → Tuyến xe bus số 89: Bến xe Yên Nghĩa - Thạch Thất - Bến xe Sơn Tây.
2.2. Di chuyển bằng phương tiện cá nhân
Nằm cách thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 45km về phía Tây nên việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân cũng khá dễ dàng. Các bạn có thể tham khảo cung đường Ximgo tổng hợp dưới đây!
Từ Nguyễn Trãi/QL6, Khuất Duy Tiến và Đại lộ Thăng Long → Đi vào ĐCT08 → Đi dọc theo ĐCT08 → ĐT419/ĐT80 tại Thị trấn Quốc Oai → Đi theo lối ra Đường 80 từ ĐCT08 → Đi tiếp ĐT419/ĐT80 → Lái xe đến ngõ Chùa Am tại Thạch Xá.

3. Giá vé vào cửa chùa Tây Phương
Giá vé vào cửa của chùa Tây Phương đối với du khách nước ngoài lẫn du khách Việt Nam là khoảng 10.000 đồng/người. Một mức giá quá là "hạt dẻ" cho một chuyến đi bổ ích, lý thú đúng không nào?!
4. Khám phá nét độc đáo của ngôi chùa cổ ngàn năm
Du khách đến thăm chùa Tây Phương sẽ thấy ngôi chùa cổ có hai cổng. Cổng thứ nhất nằm tại chân đồi. Trải nghiệm đầu tiên của du khách tới đây chính là được bước trên những bậc thang xây bằng đá ong vô cùng độc đáo. Dọc hai bên lối đi là hai hàng cây xanh mướt, ngả bóng che rợp con đường của khách hành hương.

Vào trong chùa, thi thoảng, du khách có thể sẽ bắt gặp một vài sạp bán đồ thủ công với những sản phẩm mây, tre đan vô cùng độc đáo. Những sản phẩm ấy mang trong mình nét văn hoá đậm đà của một làng nghề truyền thống, tạo nên ấn tượng rất đỗi mộc mạc, bình dị cho du khách khi đến thăm mảnh đất của xóm chùa đất Tây Phương.

Bước dọc theo khoảng hơn 250 bậc đá ong, du khách sẽ tới được cổng chính của chùa. Đằng sau cánh cửa ấy là khuôn viên chốn mà linh mà có lẽ mỗi du khách khi đến nơi đây đều mong muốn được trải nghiệm, thưởng thức. Từ cổng chính đi vào trong là một khoảng sân, dẫn du khách vào ba nếp chùa được xếp song song với nhau theo hình chữ Tam. Theo thứ tự gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Phía sau và bên cạnh ba nếp chùa chính là nhà Tổ và nhà Mẫu.

Các nếp chùa được xây dựng hoàn toàn bằng gạch bát tràng nung đỏ, để trần, khiến không gian nơi đây trở nên vô cùng gần gũi, thân quen. Chính những viên gạch bát tràng đỏ đó đã thể hiện được vô cùng rõ nét những đặc trưng của nhiều nếp nhà vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Cùng với đó, phần tường đỡ với từng dãy đá ong cũng là một trong những nét đặc trưng của Tây Phương cổ tự. Một điểm mà du khách có lẽ sẽ cảm thấy rất thú vị chính là cửa sổ của các gian nhà được trổ theo triết lý "Sắc sắc, không không" của nhà Phật.

Mái chùa Tây Phương bao gồm hai lớp ngói. Phần mái phía trên có múi, lớp phía dưới là lớp ngói lót (hay còn gọi là ngói chiếu), có hình vuông đơn ngũ sắc giống như màu áo cà sa của những vị cao tăng, xếp trên những hàng dui gỗ, làm thành các ô vuông vuông vắn, đầy đặn.

Sân chùa được lát gạch rất sạch sẽ, thoáng mát cùng với cây cối rậm rạp bao quanh. Trong số đó, gây được ấn tượng thị giác với du khách nhất chính là cây đại cổ với niên đại hàng trăm năm tuổi. Trải qua bao gió mưa cùng phong ba năm tháng, cây cổ thụ vẫn đứng đỏ, được bao phủ bởi lớp rêu phong, tạo cho du khách cảm giác vừa thư thái vừa trầm mặc, trang nghiêm khi tới đây thưởng thức, vãn cảnh. Giữa những nếp chùa được thiết kế với một khoảng sân nhỏ để ánh sáng tự nhiên rọi vào

Có thể nói, mặc dù đã trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử cũng như nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng cho đến nay, chùa Tây Phương vẫn giữ được cho mình những nét cổ kính, độc đáo mà những ngôi chùa khác không có. Nơi đây từ lâu đã không chỉ là địa điểm được rất nhiều tín đồ nhà Phật đến chiêm bái mà còn là chốn thăm quan, du lịch thu hút sự tò mò, hứng thú của du khách trên khắp mọi miền.
Chùa Tây Phương là chốn linh thiêng hội tụ những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo nước nhà, bao gồm cả chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Đi quanh chùa, du khách sẽ chẳng khó để thấy được những kiến trúc bằng gỗ với các đầu bẩy, bức cổn, xà nách, ván nong được trang trí với hình lá sâu, lá để, hoa sen, hoa cúc, rồng phượng, hổ phù - những đề tài trang trí quen thuộc trong nghệ thuật điêu khắc của dân tộc ta. Tất cả những nét kiến trúc đó đều được tạo nên bởi đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng mộc - làng truyền thống Tràng Sơn - một làng nghề lâu năm và nổi tiếng nơi xứ Đoài.
Nhắc đến chùa Tây Phương, chúng ta không thể không nhắc đến hệ thống tượng Phật bao gồm 64 bức tượng cổ được tạc và chạm khắc vô cùng tinh xảo bằng gỗ mít. Trải qua ngàn năm lịch sử, những bức tượng này vẫn giữ được nét trang nghiêm, cổ kính, góp phần giúp cho không gian của chùa càng trở nên linh thiêng, trầm mặc. Đáng nói, vào năm 1960 khi nhà thơ Huy Cận có dịp ghé thăm Tây Phương cổ tự, nhìn những bức tượng nơi đây, ông đã cho ra đời bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương" - một bài thơ mang đậm nỗi sầu nhân thế về hình tượng những con người đã tu thành chính quả những vẫn luôn suy tư, trầm ngâm chiêm nghiệm về nỗi đau quằn quại của chúng sinh.
"Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?
Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.
Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi".
...
Trên đây chỉ là một vài câu thơ trích lại từ bài thơ nổi tiếng ấy, nhưng cũng đủ cho độc giả cũng như những du khách khi đến đây thấm thía được phần nào dụng ý của những nghệ nhân xưa khi tạc nên những bức tượng đa dạng thần thái này và ấn tượng của chính Huy Cận về hệ thống tượng Phật nơi đây.

Tây Phương là một ngôi chùa mang trong mình những vẻ đẹp độc đáo cũng như thấm đượm giá trị văn hoá tâm linh. Với những công trình kiến trúc cổ kính, có tuổi đời ngàn năm, Tây Phương cổ tự là như một đoá hoa sen bung nở giữa ngọn đồi Câu Lậu, điểm xuyết thêm những nét vẽ tinh xảo, tuyệt vời vào hệ thống các di sản văn hoá của thủ đô Việt Nam.
5. Tìm chỗ dừng chân sau hành trình khám phá chùa Tây Phương
Nếu chỉ có ý định thăm quan mỗi chùa Tây Phương, du khách có thể đi về ngay trong ngày. Tuy nhiên nếu hành trình của bạn không chỉ dừng lại ở mỗi nơi đây mà còn muốn đi thăm thú những địa điểm khác gần đó, việc tìm cho mình một chỗ dừng chân để nghỉ ngơi và tiếp sức là vô cùng cần thiết. Dưới đây là một vài gợi ý Ximgo dành cho bạn, thử tham khảo xem sao nhé!
5.1. Hoàng Long Resort
Lấy ý tưởng từ những ngôi nhà bằng gỗ đơn sơ, mộc mạc nơi rừng xanh sâu thẳm, xung quanh là những sắc hoa đua nhau toả hương, Hoàng Long Resort là một điểm đến được rất nhiều du khách ưa thích. Khi đến đây, các bạn có thể đi men theo bờ suối, bước qua chiếc cầu gió để có thể đưa tay với đến thiên nhiên thơ mộng nơi đây.
Ngay trung tâm của resort là bể bơi ngoài trời, được thiết kế vô cùng sang trọng, thuộc loại hình bể bơi thông minh và hiện đại nhất hiện nay. Bể bơi được trang bị máy tạo sóng, máy sục nước với các phụ kiện được nhập về từ Pháp, Anh, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách cảm giác thoải mái, tiện nghi nhất, xua tan bao mỏi mệt sau cả một ngày bôn ba thăm thú.
Bên cạnh đó, homestay còn sở hữu một hệ thống phòng nghỉ thoáng mát, tiện nghi, hiện đại, có view nhìn thẳng ra một đồng lúa xanh ngắt, trải dài miên man đến cuối chân trời. Đứng tại đây, chúng ta sẽ được tận hưởng làn hương đồng nội thơm mà ngọt ngào nơi đất mje xứ Đoài, hoặc cũng có thể ngắm nhìn đỉnh đồi Câu Lậu mới vừa ghé thăm, nơi có chùa Tây Phương đang oai nghiêm ẩn mình giữa những cây xanh bạt ngàn.

Địa chỉ: Đường chùa Tây Phương, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội.
Hotline: 024 3310 3789.
Mức giá: 1.700.000 đồng - 5.000.000 đồng/phòng/đêm.
5.2. Hotel Hồng Anh
Hotel Hồng Anh là một chuỗi cung ứng các dịch vụ như ăn uống, karaoke, khách sạn,... cho những du khách có nhu cầu ở lại qua đêm và muốn đi thăm thú những nơi khác ngoài chùa Tây Phương. Khách sạn được trang bị hệ thống phòng nghỉ khá tiện nghi và hiện đại, giá cả lại phải chăng, phù hợp với đại đa số du khách.

Địa chỉ: Thôn Phú Đa, Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội.
Hotline: 035 534 6666.
Mức giá: 150.000 đồng - 300.000 đồng/phòng/đêm.
Trên đây là một vài nơi lưu trú mà Ximgo đã chọn lựa để giới thiệu đến các bạn. Tuy nhiên, để khách quan hơn cũng như đảm bảo được rằng chuyến du lịch của bạn là hoàn hảo nhất, Ximgo khuyến khích các bạn nên tìm hiểu thật kĩ những homestay, khách sạn, nhà nghỉ ở huyện Thạch Thất trước khi xách balo lên và đến đây nhé!
6. Những món ăn nhất định phải thử khi đặt chân tới chùa Tây Phương
Đến với Tây Phương cổ tự, thứ đặc sản mà bất kì du khách nào cũng không nên bỏ qua khi tới đây chính là món chè lam Thạch Xá - thứ đặc sản được mệnh danh là món quà đến từ đất Phật. Người dân huyện Thạch Thất vẫn luôn quan niệm nguồn gốc ra đời của món đặc sản này chính là tấm lòng, là sự thành kính của nhân dân nơi đây đối với Đức Phật.
Chè lam Thạch Xá được những người thợ chế biến vô cùng tinh tế, cẩn thận, chỉ từ những thứ nguyên liệu đơn giản, có thể bắt gặp ở mọi miền quê, họ đã cho ra lò thứ đặc sản bao người đều ưa thích. Nguyên liệu chính của chè lam là bột nếp, đường kính cùng mạch nha. Bên cạnh đó, để khiến chè dậy hương, người dân còn thêm những thứ gia vị khác như nước gừng tươi, bột quế hay lạc rang,... Nếu đã có dịp ghé thăm chùa Tây Phương, các bạn đừng nên bỏ qua món ăn thú vị này, đồng thời có thể mua về tặng cho người thân và gia đình nhé!

7. Lưu ý những điều sau khi tới Tây Phương cổ tự
- Tây Phương cổ tự là một chốn vô cùng thiêng liêng, vì vậy khi tới đây, chúng ta không nên mặc đồ quá ngắn, quá hở hang,... để thể hiện lòng thành kính, tôn trọng đối với Đức Phật.
- Do là khu du lịch, chúng mình nên check giá cả thật kĩ trước khi mua hàng hay sử dụng bất kì một dịch vụ nào (ăn uống, gửi xe, mua lễ dâng Phật,...)
- Nếu các bạn đi chùa vào mùa lễ hội, nên bảo quản hành lý và đồ đạc cá nhân của mình thật cẩn thận,
- Nếu đi vào mùa chính hội, người người từ mọi miền đổ về chùa để đi trẩy hội thì nên bảo quản hành lý cẩn thận. Những đồ đạc có giá trị như tiền bạc, giấy tờ, điện thoại,... nên cất giữ thật tốt, tránh việc tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng.
- Nếu có ai ngỏ ý muốn xách đồ cho bạn, tuyệt đối đừng đồng ý, nếu không sau đó, họ sẽ đòi bạn "phí" giữ đồ hộ, giả sử bạn không đồng ý trả "phí", có thể bạn sẽ chẳng bao giờ nhận lại được đồ của mình.