Khám phá du lịch tâm linh di tích Đền Trần linh thiêng trứ danh

Nhắc đến miền đất Nam Định, ta chắc chắn không thể bỏ qua khu di tích đền Trần trứ danh. Với bề dày lịch sử lâu đời cùng những lời đồn thổi về sự linh thiêng của mình, khu di tích đền Trần chắc chắn sẽ không khiến du khách thất vọng. Còn chờ gì mà không xách vali lên và tới tham quan di tích lịch sử này nhỉ?

Địa chỉ: phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định
Bản đồ Maps: tại đây
Giá vé: 100.000đ - 250.000đ/vé xe khách đi từ Hà Nội
Các địa điểm nên tham quan: đền Thiên Trường, đền Cổ Trạch, đền Trùng Hoa,...
Số điện thoại Công An khu vực: +842283865741
Số điện thoại Y Tế khu vực: 0228 3682 222 (bệnh viện đa khoa Sài Gòn)
Sân bay gần nhất: không có
Phương tiện di chuyển tiện nhất: xe khách, tàu hỏa, ô tô riêng
Mùa đông khách nhất: Tết Nguyên đán
Lưu ý quan trọng nhất: chú ý an toàn khi di chuyển, đề phòng trộm cắp, ăn mặc nghiêm túc khi đi lễ ở đền

1. Giới thiệu khu di tích đền Trần

Tọa lạc tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, khu di tích đền Trần là một quần thể di tích có bề dày lịch sử lâu đời, vốn được xây dựng để thờ các vua Trần cũng như các quan lại có công phò tá nhà Trần. Đền Trần vốn được xây dựng vào năm 1695, trên nền của Thái miếu cũ đã sụp đổ do quân Minh tàn phá vào thế kỷ XV. 

Khu di tích đền Trần bao gồm 3 công trình chính: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, kiểu dáng và quy mô gần như tương đương. Phía trước đó là cổng ngũ môn. Bước qua cổng sẽ thấy một hồ nước hình chữ nhật. Ngay chính giữa phía sau hồ là đền Thiên Trường.

Khu di tích đền Trần trông trang nghiêm, thanh tịnh biết bao (Nguồn: Google)

Phủ Thiên Trường xưa vốn là nơi phát tích của vương triều nhà Trần, được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt, chỉ đứng sau kinh thành Thăng Long. Vào năm 1258, trong trận giao tranh với quân Nguyên Mông, vua Trần Thái Tông đã cho thực hiện chiến lược "vườn không nhà trống" và điều động toàn dân quân lui về phủ Thiên Trường tại Nam Định để huy động sức mạnh toàn dân. Về sau khi giành được chiến thắng, nhà vua đã tổ chức tiệc mừng vào ngày 14 tháng Giêng, phong tước cho các quan quân có công đánh giặc.

Ngày này về sau đã được lựa chọn làm lễ hội khai ấn tại đền Trần, cúng tế tổ tiên, trời đất, khen thưởng những người có công, đồng thời mở ra một năm làm việc mới.

 

Khung cảnh bên trong khu di tích cũng mang đậm màu sắc văn hóa và trang nghiêm (Nguồn: Google)

Sau này, người ta vẫn tiếp tục duy trì nghi thức khai ấn đầu năm, gọi là lễ hội khai ấn đền Trần, diễn ra vào ngày 14 - 15 tháng Giêng, luôn thu hút rất nhiều lượng du khách đến tham quan. Ai ai cũng mong muốn có cho mình ấn đền Trần vốn nổi tiếng thiêng liêng, linh nghiệm và cầu an cho cả một năm mới được bình an, may mắn, công việc thuận lợi. 

Hằng năm, hàng ngàn du khách tấp nập đổ xô về khu di tích để tham dự lễ hội khai ấn đền Trần (Nguồn: Google)

 Ngoài lễ hội khai ấn đầu năm, khu di tích đền Trần còn có một lễ hội truyền thống nổi tiếng khác diễn ra vào khoảng thời gian giữa tháng 8 âm lịch. Lễ hội này rất tưng bừng, thu hút sự chú ý của du khách, bao gồm rất nhiều hoạt động thú vị như: lễ rước từ đình, đền, lễ dâng hương, các trò chơi dân gian như: đấu vật, diễn võ 5 thế hệ, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều,... Ghé thăm khu di tích đền Trần vào khoảng thời gian này để hòa mình vào không gian văn hóa địa phương thì quả thật còn gì tuyệt vời hơn?

Có rất nhiều hoạt động mang đậm màu sắc văn hóa diễn ra tại lễ hội đền Trần (Nguồn: Google)

 1.1 Đền Thiên Trường

Tọa lạc ở vị trí trung tâm của khu di tích đền Trần, đền Thiên Trường còn được gọi là đền Thượng, vốn có địa thế rất thiêng liêng. Đền Thiên Trường được xây lại trên tích cũ của Thái Miếu và cung Trùng Quang, hay trước đó nữa là đền thờ gia tộc nhà Trần. Đền được xây nên để thờ các vị hoàng đế, hoàng hậu, các vị quan quân có công thời nhà Trần.

Cấu trúc của đền Thiên Trường được chia ra làm 9 tòa, 31 gian, gồm: tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương, hai dãy tả hữu vu, hai dãy tả hữu ống muống, hai dãy giải vũ đông tây. Khung đền được xây từ gỗ lim, lợp ngói, nền lát gạch. Trong đó, tiền đường dùng để thờ các vị quan quân có công lớn, trung đường thờ bái vọng các vị hoàng đế, gian chính tẩm thờ 4 vị thủy tổ họ Trần và các phu nhân, và tòa thiêu hương đặt bài vị của các công thần nhà Trần.

"Phủ Thiên Trường" đã đi vào những câu thơ, những áng văn (Nguồn: Google)

1.2 Đền Cố Trạch

Nằm ở phía đông của khu di tích đền Trần, đền Cố Trạch còn có tên gọi khác là đền Hạ. Sở dĩ cái tên Cố Trạch bắt nguồn từ tích truyện vào năm 1868, người ta đào được một mảnh bia đề chữ "Hưng Đạo thân vương cố trạch" ở phía đông, do đó khi hoàn thành xây dựng đền vào năm 1895, người ta đặt tên đền là Cố Trạch và dùng để thờ Trần Hưng Đạo cùng gia thờ và gia tướng.

Cấu trúc của đền Cố Trạch cũng tương tự với đền Thiên Trường. Tiền đường ở đây thờ ba vị tướng thân tín của Trần Hưng Đạo, Trung đường lại thờ Trần Hưng Đạo cùng 4 người con trai và các tướng quân khác, chính tẩm đặt bài vị của cha mẹ, vợ con và con cháu của ông, gian thiêu hương đặt long đình cùng tượng Trần Hưng Đạo và 9 pho tượng phật khác. Gian tả vu đặt bài vị các văn thần và gian hữu vu thờ các võ thần.

Cổng đền Cố Trạch mang một vẻ đường bệ, uy nghi (Nguồn: Google)
Hương khói trước sân đền Cố Trạch (Nguồn: Google)

1.3 Đền Trùng Hoa

Ngôi đền còn lại mang tên Trùng Hoa, nằm ở phía Tây của khu di tích, vốn để thờ các hoàng đế nhà Trần cùng hội đồng các quan quân. Đền được xây mới lại vào năm 2000 trên nền đền Trùng Hoa cũ, nơi trước đây các vị hoàng đế thường lui về để tham vấn các vị thái thượng hoàng. Tòa trung đường và chính tẩm của đền đặt 14 pho tượng bằng đồng của các Hoàng đế, tòa thiêu hương đặt bài vị các quan quân; gian tả vu thờ các quan văn và gian hữu vu thờ các quan võ. 

Đền Trùng Hoa cũng mang một vẻ đẹp cổ kính, uy nghi (Nguồn: Google)
Những hoạt động thờ cúng diễn ra trong đền Trùng Hoa (Nguồn: Google)

2. Di chuyển đến khu di tích đền Trần

Để lựa chọn phương tiện di chuyển đến khu di tích đền Trần, bạn có khá nhiều lựa chọn như: đi xe khách, xe limousine, ô tô riêng hay thậm chí tàu hỏa.... Có rất nhiều các tuyến xe khách chạy thẳng từ Hà Nội tới khu di tích đền Trần, với giá vé dao động từ khoảng 100.000đ - 250.000đ/vé. Bạn cũng có thể lựa chọn đi tàu hỏa với giá vé ghé ngồi chỉ khoảng từ 100.000đ/vé, đến ga Phủ Lý. Nếu bạn ở quá xa, ví dụ ở miền Nam, thì có thể lựa chọn phương án đi máy bay ra Hà Nội rồi bắt xe khách về Nam Định. 

Đối với những bạn yêu việc tự do khám phá và muốn tự mình đi trên cung đường tới thăm khu di tích đền Trần thì hãy tham khảo chỉ dẫn đường đi từ Hà Nội đến đền Trần tại đây.

3. Kinh nghiệm du lịch khu di tích đền Trần

Kinh nghiệm du lịch khu di tích đền Trần cho thấy, bạn nên chú ý đề phòng trộm cắp khi đến tham quan nơi này vào khoảng thời gian cao điểm du lịch, do lượng du khách tới sẽ rất đông. Bạn cũng nên lưu ý trang phục của mình, không nên mặc váy ngắn, quần áo ngắn hoặc hở hang quá khi đi lễ ở đền. Ngoài ra cũng nên chú ý thời tiết để chuẩn bị ô dù, mũ nón; bạn cũng nên chuẩn bị thêm một chút đồ ăn nhẹ để không phát sinh thêm phụ phí trong chuyến đi của mình.

Khu di tích đền Trần không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh vốn trang nghiêm, tĩnh lặng, mà còn là một phông nền check in rất lý tưởng. Đã có rất nhiều người check in tại đây và đem về cho mình những bức hình đẹp lung linh. Còn chờ gì mà không ghi lại những kỉ niệm thật đẹp khi đi cầu an tại địa điểm vô cùng linh thiêng này?

Đây không chỉ là nơi thờ cúng mà cũng là một điểm check in rất lý tưởng (Nguồn: @thu.huynhh trên Instagram)
Cô nàng @menmennnnn trên Instagram tự tin khoe tà áo dài truyền thống trước cổng đền Trần
Đây là phông nền tuyệt vời để tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống Việt Nam (Nguồn: @twinklenamdinh trên Instagram)

 

Trên đây là bài viết cung cấp các thông tin về vấn đề du lịch ở khu di tích đền Trần. Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn. Chúc bạn sớm có một chuyến tham quan thật an toàn và bổ ích cùng gia đình và người thân!

#khu di tích đền trần #giới thiệu khu di tích đền trần #di chuyển đến khu di tích đền trần #kinh nghiệm du lịch khu di tích đền trần #đền thiên trường #đền cố trạch #đền trùng hoa

Tác giả: Khánh Uyên
Giới thiệu về tác giả: "Tuổi đời còn trẻ thì hãy cứ đi. Đi để thấy, đi để biết, đi để học. Những cung đường luôn chào đón tất cả mọi người. Hãy luôn giữ vững ngọn lửa đam mê với việc thăm thú những chân trời mới nhé!"