Hòn Kẽm Đá Dừng - Bức tranh sơn thủy hữu tình xứ Quảng
Quảng Nam - tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Với lợi thế vị trí địa lý giáp biển, nơi đây nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp. Đặc biệt, sở hữu đến hai di sản văn hoá thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Ngoài ra, xứ Quảng còn lưu giữ nền văn hoá Chăm-pa độc đáo và nét giao thoa văn hoá với bên ngoài.
Nhờ sự đa dạng trong cả tài nguyên thiên nhiên và nền văn hoá đặc sắc, Quảng Nam không chỉ thu hút khách du lịch trong nước mà còn “mời gọi” cả những du khách quốc tế ưa thích dịch chuyển. Một trong số đó, không thể không nhắc đến Hòn Kẽm Đá Dừng, nằm bên cạnh dòng sông Thu Bồn hiền hòa, là một thắng cảnh đẹp và nổi tiếng của mảnh đất Quảng Nam. Nếu là người yêu thích khám phá thiên nhiên, thích thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ thì bạn không nên bỏ qua địa điểm non xanh nước biếc hữu tình này.
1. Giới thiệu về Hòn Kẽm Đá Dừng
Vùng đất xứ Quảng từ xưa đã nổi tiếng với những thắng cảnh đẹp đến nao lòng như phố cổ Hội An, đảo Cù Lao Chàm, biển Tam Thanh,…Hơn thế nữa, dòng sông Thu Bồn hiền hòa từ lâu cũng trở thành hình ảnh gắn liền với cảnh sắc và nhịp sống của người dân nơi đây. Và nằm tại nơi thượng nguồn của dòng sông ấy, Hòn Kẽm Đá Dừng là một nét chấm phá tô đẹp thêm cho đất trời Quảng Nam.
Trước đây Hòn Đá Kẽm Dừng thuộc về hai xã Quế Phước và Quế Lâm, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam. Ngày nay lại thuộc địa phận xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. So với các địa điểm du lịch khác tại Quảng Nam như phố cổ Hội An đẹp nên thơ, biển An Bàng dịu dàng, thánh địa Mỹ Sơn huyền bí...thì Hòn Kẽm lại tạo nên nét khác biệt với vẻ hoang sơ, hùng vĩ mà không kém nét trữ tình, êm đềm.
Xưa kia, Hòn Kẽm Đá Dừng là một dãy núi đá kỳ vỹ như một bức tường thành soi bóng xuống con sông Thu Bồn. Nhưng qua thời gian, ngọn núi đá ấy đã bị xẻ thành 2 vách núi cao hơn 500m ở 2 bên thượng nguồn dòng sông Thu Bồn hiền hòa, len lỏi qua từng vách đá dựng đứng. Hai vách núi đá này đứng thẳng vươn mình lên bầu trời xanh và mang những hình thù kỳ lạ như thể đang nhô ra cản lấy dòng chảy của dòng sông để tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình, làm say mê lòng người.
Hòn Kẽm Ðá Dừng còn là mảnh đất còn lưu nhiều dấu tích của nền văn hoá Sa Huỳnh và Champa xưa. Cũng như con sông Thu Bồn chảy quanh, Hòn Kẽm cũng chứa đầy truyền thuyết. Nếu du khách đi từ biển Cửa Ðại xuôi về Hòn Kẽm và dạo dọc theo dòng sông sẽ thấy có khoảng trên dưới vài chục nơi thờ cúng mẹ Thiên Y Ana – nữ thần Champa. Cũng chính ngay khúc sông này, đến bây giờ vẫn còn lồ lộ phiến đá nặng hàng mấy chục tấn, đứng soi mình xuống dòng sông Thu Bồn, mang những dòng chữ Chăm được khắc chạm tỉ mỉ.
Du khách đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan sông núi hữu tình. Con sông Thu Bồn lững lờ uốn lượn bên những triền đá và dấu tích gò Đống, Cỗ Ngựa dưới làn sương khói mờ ảo. Ngồi trên con thuyền xuôi dòng, những đụn cát cao và dài dần dần mở ra trước tầm mắt, thấp thoáng những nương ngô, bãi dâu xanh ngát, những con thuyền mua bán tấp nập. Mà còn được nghe kể về những giai thoại về cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Duy Hiệu (1847 – 1887) chống ách đô hộ của thực dân Pháp trong Phong trào Cần Vương, tìm hiểu về những dòng chữ cổ Chiêm Thành ẩn hiện trên những phiến đá nặng mấy chục tấn dựng đứng bên dòng sông Thu Bồn.
2. Hướng dẫn đường đi
Hòn Kẽm Đá Dừng nằm ở thượng nguồn của con sông Thu Bồn, thuộc địa phận xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 100km. Có hai cách để bạn có thể di chuyển đến đây:
- Cách 1: Men theo dòng sông Thu Bồn ngược lên phía thượng nguồn, Theo người dân địa phương, nếu tính từ nơi bắt đầu đến, di chuyển theo hướng huyện Thăng Bình đến sông Tranh (huyện Hiệp Đức) và tới đoạn sông gặp biển thường phải mất một ngày đường. Do đó, nếu bạn xuất phát từ buổi sáng thì buổi chiều sẽ tới được khu du lịch Hòn Kẽm Đá Dừng.
- Cách 2: Men theo tuyến đường tỉnh lộ 105 qua địa phận huyện Quế Sơn, Quảng Nam, bạn vượt đèo Le đến Trung Phước và di chuyển thêm 2 giờ bằng canô là đến chân Hòn Kẽm. Ngoài ra, bạn có thể di chuyển theo hướng huyện Thăng Bình đến sông Tranh (huyện Hiệp Đức), đi thêm khoảng nửa ngày sẽ đến được Hòn Kẽm Đá Dừng.
3. Những địa điểm tham quan tại Hòn Kẽm Đá Dừng
3.1 Chợ Trung Phước
Có thể nói rằng, chợ Trung Phước là nơi lưu lại những nét cổ xưa, văn hóa Đại Việt qua hơn 5 thế kỷ tồn tại và cũng là địa điểm du lịch hấp dẫn cho các du khách. Là một trong những khu chợ có lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam, chợ Trung Phước cũng là một địa điểm không thể bỏ lỡ của các du khách khi đến với Hòn Kẽm Đá Dừng. Đến với chợ Trung Phước, bạn có thể tận mắt trông thấy những vẻ đẹp mộc mạc, xưa cũ của khu chợ truyền thống nhưng cũng không kém phần sầm uất và nhộn nhịp của các thương gia buôn bán.
Nhắc đến chợ, chúng ta thường nghĩ đến những đặc sản truyền thống và nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Quảng, có thể kể đến như: gà Đảo Le, cá Mương, các loại thuốc bắc và trái cây tươi... Ngoài ra, bên cạnh chợ Trung Phước còn có làng trầm cảnh, làng mỹ nghệ trầm hương đầu tiên của nước ta. Nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm hàng mỹ nghệ từ trầm cảnh, rất thích hợp để du khách có thể mua làm quà tặng.
3.2 Bến Tranh
Đặc biệt, ở Trung Phước còn có bến sông gọi là Bến Tranh,ở đây du khách có thể đi bộ, tham quan những cánh đồng nhỏ dưới chân đèo Le. Bến Tranh chủ yếu bán tranh lợp nhà, vì thế trước những năm 1945, những hộ dân nơi đây thường sinh sống bằng nghề chính là cắt tranh, đánh thành tấm để bán. Từ Bến Tranh, xuyên qua đào Phương Rạch là bạn có thể thăm thú những di tích văn hóa khác như tháp Mỹ Sơn, mà đặc biệt là Hòn Kẽm Đá Dừng.
3.3 Làng Đại Bình
Dừng ở chợ Trung Phước, bạn có thể ghé thăm làng Đại Bình – một làng cây ăn quả nổi tiếng, một làng cổ trù phú của xứ Quảng, chạy dọc từ đầu truông Nông Sơn đến Thổ làng, có lưng dựa vào dãy Trường Sơn, mặt hướng về sông Thu Bồn thơ mộng. Tách nhịp hẳn với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp của chợ Trung Phước, Đại Bình thở nhịp cuộc sống thanh bình như chính tên gọi của làng.
Được ví như một Nam Bộ thu nhỏ, mảnh đất này được con sông Thu Bồn bồi đắp phù sa, rất màu mỡ nên trồng được rất nhiều giống cây ăn quả ở miền Nam tạo thành một đảo xanh vườn tược. Rất nhiều loại trái cây Nam Bộ được đem về trồng tại đất này. Ngoài những cây trái địa phương như mít, xoài, ổi, quýt, lòn bon... ở đây còn trồng được các loại cây trái Nam Bộ là sầu riêng, măng cụt, vú sữa, sapôchê…
Khi đến đây, du khách không chỉ được tự tay thu hoạch và thưởng thức những trái quả đặc sản, thưởng thức nét đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho ngôi làng nhỏ này mà còn có thể cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi của những con người Đại Bình.
4. Ở đâu khi đến đây?
Khách sạn và resort: Tại các trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như Hội An hay Tam Kỳ, các bạn có thể dễ dàng tìm được cho mình một khách sạn, từ bình dân đến cao cấp. So với các hình thức lưu trú khác, khách sạn thường đồng bộ hơn về mặt quản lý, phục vụ cũng như thường có được các vị trí đẹp, gần trung tâm hơn để du khách tham khảo.
Villa: Đây là hình thức lưu trú khá phát triển ở Quảng Nam trong những năm gần đây. Những villa ở đây được thiết kế với nhiều loại phòng cho khách du lịch thuê, chất lượng tốt, có đầy đủ bể bơi, các dịch vụ dọn dẹp và ăn uống để cung cấp cho du khách luôn. Nếu abjn cần một nơi nghỉ dưỡng yên tĩnh thì villa là một lựa chọn phù hợp.
Homestay: Là mô hình lưu trú cộng đồng, sinh hoạt và ăn ở cùng với người dân địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay mô hình homestay gần như không khác gì khách sạn. Mặt khác, có những homestay được thiết kế đẹp hơn cả khách sạn và có không gian sinh hoạt chung ngay trong nhà để các nhóm du khách có thể giao lưu với nhau.
Mách bạn: Bạn có thể lên các trang book phòng điện tử như booking hoặc agoda để tham khảo một số phòng ưng ý, ở đó bạn có thể xem được hình ảnh, giá phòng và các dịch vụ kèm theo khác nữa đấy.
5. Ăn gì khi đến đây?
5.1 Mì quảng
Chỉ cần nghe cái tên thôi thì đã chắc chắn rằng đây là món đặc sản không thể bỏ qua khi đến xứ Quảng. Ðể làm mì, người ta dùng gạo tốt ngâm nước cho mềm, đem xây thành nước bột mịn, pha thêm ít phèn sa để cho sợi mì giòn, cứng rồi đem tráng thành lá mì. Khi chín vớt ra đặt lên vỉ cho nguội, thoa sơ lớp dầu cho mì khỏi dính sau đó cắt thành sợi. Mì được ăn kèm với các loại topping đa dạng như: tôm, thịt heo, hoặc bằng thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc.
Nước lèo đậm đà, có vị ngọt, cái ngọt này đặc biệt khác với vị ngọt của nước phở nấu bằng xương bò, nước lèo của bún hầm xương heo. Rau sống để ăn với mì thông thường là loại rau đắng, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, ngò…làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.
5.2 Cơm gà Hội An
Cơm gà Hội An được nấu từ gạo ngon, thơm và dẻo, được lựa chọn kỹ lưỡng, ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà được dùng là loại gà ta còn tơ, thịt mềm mà chắc, da mỏng thịt thơm. Sau khi luộc, thịt gà được xé nhỏ ra rồi bóp với hành phi, hành tây, muối tiêu và rau răm. Ngoài ra, cơm gà còn thường ăn kèm với súp được trộn tim, gan, cật gà ăn kèm. Tất cả tạo ra một món cơm gà rất riêng, mang đậm dấu ấn của Hội An.
5.3 Cao lầu
Cao lầu, món ăn độc đáo chỉ có ở xứ Quảng. Thoạt nhìn, cao lầu khá giống với mì. Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột, dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng, cắt thành từng sợi, sau đó đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì.
Người ta thường ăn cao lầu với thịt xá xíu, thịt xá xíu chỉ dùng thịt heo cỏ, săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc thì nước của nó mới có vị ngọt. Ngoài ra, cao lầu còn ăn kèm giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm, thêm ít rau sống. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tóp mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước..
5.4 Bánh đập – Hến xào
Bánh đập (hay còn gọi là bánh chập) là loại bánh dân dã mà người Quảng Nam nào cũng biết đến. Bánh là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại bánh tráng nướng và bánh tráng ướt với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị mới lạ. Bánh đập được tráng từ loại gạo dẻo thơm ngon, một phần làm bánh tráng nướng, một phần làm bánh tráng ướt.
Miếng bánh đập giòn rụm tan trong miệng ăn kèm với hến xào vừa miệng là món ăn chơi cực hấp dẫn ở Quảng Nam. Ghép một miếng bánh ướt với một miếng bánh tráng giòn, trên nửa lớp bánh ướt quệt lên nhân đậu xanh nhuyễn, phết dầu mỡ hành. Tùy theo sở thích, người ta có thể cho thêm mì lá (mì bánh đa sợi nhỏ) vào cùng với lớp bánh tráng ướt.
Ăn bánh đập cũng như ăn bánh xèo, phải có vừng, chấm nước mắm ớt và đồ ăn ghém chua. Nước chấm được pha từ mắm cái, một chút đường, trái dứa băm nhỏ, một chút hành phi dầu, nêm nhiều tỏi và ớt sừng xanh đặc hiệu của xứ Quảng.
5.5 Bánh tráng cuốn thịt heo
Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn dân dã nhưng cũng là đặc sản của người Quảng. Bánh được làm bằng loại bánh tráng dẻo thơm làm từ gạo nguyên chất cuộn. Món ăn này phù hợp cho bữa ăn trưa, ăn tối, ăn vặt và cả đãi khách phương xa. Một phần bánh tráng cuốn gồm 1 đĩa thịt heo ba chỉ thái mỏng, 1 khay bánh tráng, một khay rau sống với gần 20 loại rau và nước chấm ăn kèm.
5.6 Gà tre đèo Le
Muốn thưởng thức gà ngon đúng điệu phải tìm về với chân đèo Le ở vùng đất Quế Sơn. Các món được chế biến từ gà tre đèo Le rất đa dạng, từ nướng, hấp hành, rôti đến luộc…nhưng thơm ngon và dậy vị nhất chính là món gà nướng.
Gà được nuôi thả tự nhiên nên thịt chắc và ngọt. Gà được chế biến để nguyên con, tẩm ướp đậm đà rồi được quay nướng chín đều trên bếp nên da gà rất giòn, thịt dai và thơm ngon.
5.7 Bánh tổ Quảng Nam
Nếu mỗi dịp Tết đến, miền Bắc có bánh chưng, miền Nam có bánh tẻ thì bánh tổ lại là loại bánh tết truyền thống ở xứ Quảng. Bánh được làm từ hai nguyên liệu đơn giản: gạo nếp và đường. Gạo nếp được xay mịn thành bột, đánh nhuyễn với đường và một ít gừng. Sau đó được đổ vào lá chuối và nướng trên than hồng. Khi ăn có vị ngọt và thơm của nếp, một chút vị cay của gừng.
5.8 Bánh bèo
Sau các món ăn như mì Quảng, cao lầu thì bánh bèo là một món ăn cũng nhận được sự ưa chuộng không kém của người dân Quảng Nam.
Để làm bánh bèo, người ta chọn loại gạo ngon cho vào ngâm nước để gạo mềm rồi xay thành nước bột mịn. Nước bột không được đặc quá, vì đặc bánh sẽ cứng, ít dẻo. Sau đó, nước bột được cho vào chén rồi sắp lên vỉ tre đặt vào nồi để hấp. Ở đây người ta thường ăn bánh kèm cùng thịt băm, xắt nhỏ rồi trộn vào với tôm ướp với gia vị rồi đưa lên bếp xào chín. Hòa quyện cùng chút nước mắm đậm vị khiến món ăn càng trở nên hấp dẫn.
6. Lưu ý khi du lịch tại Hòn Kẽm Đá Dừng
- Bạn nên đến đây vào buổi sáng sớm. Vì đây là thời điểm mà cảnh tượng sông Thu Bồn và Hòn Kẽm Đá Dừng hiện ra vô cùng huyền ảo. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng những đụn cát cao và dài nằm rải rác bên sông. Không gian tịch mịch và yên ắng khiến con người dường như được hòa vào với thiên nhiên và dễ dàng rũ bỏ hết những phiền muộn, âu lo thường ngày.
- Từ tháng 4 đến tháng 8 là khoảng thời gian lý tưởng để du khách có thể thưởng ngoạn Hòn Kẽm Đá Dừng. Ngoài ra, ở đây cũng có rất nhiều các lễ hội diễn ra quanh năm như lễ hội bà Thu Bồn (12 tháng 2 Âm lịch), lễ hội Bà Chiêm Sơn (10-12 tháng Giêng Âm lịch), lễ hội Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng),…
- Con sông Thu Bồn vẫn cứ lẳng lặng trôi giữa hai bờ đá Hòn Kẽm dựng đứng, mang trên mình những dấu vết của thời gian sạm nắng gió khiến bất cứ kẻ du hành nào đặt chân đến đây đều cảm thấy thật an yên bình yên đến lạ, con người dường như được hòa vào với thiên nhiên, rũ bỏ hết những phiền muộn, âu lo. Và thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn.
Trên đây là những kinh nghiệm và một số review của Ximgo viết về Hòn Kẽm Đá Dừng, hy vọng những thông tin du lịch này sẽ bổ ích cho chuyến đi sắp tới của các bạn. Nếu có dịp đến với mảnh đất xứ Quảng, hãy ghé thăm Hòn Kẽm Đá Dừng để có được những trải nghiệm ý nghĩa và thưởng thức những đặc sản tươi ngon nơi đây nhé!
Xem thêm thông tin du lịch Quảng Nam tại đây.
Nguồn ảnh: internet/ IG