Review kinh nghiệm chi tiết về làng gốm Thanh Hà tại Hội An

Nếu bạn yêu Hội An với những nét giản dị, chân chất, mộc mạc từ những ngôi làng cổ thì hãy thử ghé thăm làng gốm Thanh Hà trong chuyến hành trình về đất Quảng của mình nhé. Và cũng đừng quên đọc thêm kinh nghiệm du lịch làng gốm Thành được Ximgo chia sẻ trong bài viết này.

1. Giới thiệu về làng gốm Thanh Hà

Làng gốm Hội An Thanh Hà cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 1,8km. Cùng với nhà cổ Hội An và chùa Cầu, đây có thể xem nơi đây là một trong những lựa chọn khác biệt hơn khi xa rời trung tâm để tìm kiếm những điều mới mẻ. Làng gốm Thanh Hà cũng giống như hầu hết những sự vật tại đây đều có tuổi đời lâu năm mang những nét đẹp đặc trưng văn hóa riêng biệt. 

Làng gốm Thanh Hà đã có tuổi đời khoảng hơn 500 năm. Đến với làng gốm Thanh Hà bạn sẽ được gợi nhớ về một thời kỳ rực rỡ của một thương cảng Hội An xưa. Ngôi làng cổ này đã được hình thành từ trong thế kỷ thứ 16, trải qua nhiều thời kỳ huy hoàng, các sản phẩm gốm vào thời đó cũng được tiến vua như một loại “thổ sản” có giá trị. Vào khoảng cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 được xem là thời kì hoàng kim của làng gốm - thời điểm thương cảng Hội An vẫn còn nhộn nhịp những hoạt động giao thương, buôn bán.

Chủ yếu các loại gốm mà làng gốm sản xuất thường có tính ứng dụng đời sống cao như ly, chén, gạch, ngói, chậu… Làng gốm không làm mới theo thị trường mà chỉ lưu giữ và trân truyền những nét đẹp thủ công truyền thống. Mặc dù cho tới thời điểm hiện tại, nghề làm gốm thủ công không có nhiều cơ hội cạnh tranh với công nghệ sản xuất gốm công nghiệp nhưng làng gốm Thanh Hà vẫn là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của địa phương vùng miền. Giữa sự phát triển không ngừng về kinh tế, văn hóa cũng như con người, làng gốm vẫn giữ được nét giản dị, mộc mạc vốn có. Với bàn tay của những nghệ nhân đầy tài ba sẽ cho ra những sản phẩm mỹ nghệ được làm từ bùn đất vô cùng tinh tế, mang nét thẩm mỹ cao.

2. Làng gốm Thanh Hà ở đâu?

Nằm bên dòng sông Thu Bồn thanh bình, làng gốm cách trung tâm khoảng 3km phía Tây. Vị trí khá thuận tiện cho việc di chuyển với mọi phương tiện. Các bạn có thể sử dụng phương tiện di chuyển bằng xe máy, hoặc tản bộ kết hợp ngắm Hội An luôn nhé.

Địa chỉ làng gốm: Duy Tân, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam.

Xem thêm bản đồ dưới đây:

3. Hướng dẫn cách di chuyển đến làng gốm

3.1 Từ Đà Nẵng đến Hội An

Khoảng cách từ Đà Nẵng – Hội An khoảng tầm 30km. Từ Đà Nẵng, có khá nhiều tuyến đường đến với Hội An, song tuyến ngắn nhất có lẽ là tuyến đi dọc đường biển Võ Nguyên Giáp – Trường Sa – Lạc Long Quân – Hội An. Ngoài ra còn có tuyến quốc lộ 1A chạy thẳng đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ vào Huỳnh Thúc Kháng, đi một đoạn nữa là sẽ tới phố cổ Hội An.

3.2 Từ Hội An đến làng gốm Thanh Hà

Có 2 cách di chuyển:

Từ trung tâm Phố cổ Hội An, bạn đi theo tuyến đường Hùng Vương đến đường Duy Tân. Bạn chỉ cần di chuyển thêm 500m sẽ gặp ngã tư, rẽ trái là có thể đến được làng gốm Thanh Hà rồi. Hoặc trên tuyến đường Duy Tân bạn sẽ bắt gặp bảng hướng dẫn có thể theo đó để di chuyển tiếp.

Có thể di chuyển dọc theo bờ sông Thu Bồn hướng quốc lộ 1A, đi qua chợ cá Thanh Hà 1 đoạn, vậy là bạn đã có thể tham quan được làng gốm truyền thống lâu đời này rồi.

3.3 Từ Đà Nẵng đến làng gốm Thanh Hà

Từ Đà Nẵng, bạn đi tới Hội An sau đó rẽ vào đường Hùng Vương. Tiếp đến rẽ vào đường Duy Tân. Tới một ngã tư, bạn sẽ thấy có một tấm biển chỉ dẫn đường đi làng gốm Thanh Hà. Bạn chỉ cần đi theo biển chỉ dẫn một đoạn nữa là sẽ đến nơi rồi.

4. Giá vé tham quan (cập nhập 2020)

Giờ mở cửa: 8h30 – 17h30

Vé vào cổng:

  • Trẻ em, học sinh, sinh viên: 15.000đ/người
  • Người lớn: 30.000đ/người

Giá vé bao gồm: Khám phá di tích tổ nghề gốm Miếu Nam Diêu, di tích Đình Xuân Mỹ, xem nghệ nhân chuốt hình gốm, tự tay trải nghiệm chuốt gốm.

Một mức giá tương đối rẻ để có thể khám phá hết những trải nghiệm vui khi đến với làng nghề truyền thống này. Đặc biệt với mức giá này các bạn không chỉ đơn thuần là tham quan mà có thể được tự tay trải nghiệm nghề làm gốm thủ công như những nghệ nhân thực thụ.

5. Bản đồ đường đi tham quan làng gốm Thanh Hà

Không gian của làng gốm tương đối rộng rãi và đặc biệt với những du khách lần đầu ghé thăm chắc chắn sẽ còn khá nhiều bỡ ngỡ. Thế nên, đến làng gốm để tránh bị lạc đường bạn lấy bản đồ từ khu vực cổng vào nhé.

Tại làng gốm có 2 khu vực tham quan bao gồm:

  • Khu làng gốm của dân làng 
  • Khu công viên đất nung cực thú vị 

6. Nên đi tham quan làng gốm Thanh Hà vào thời điểm nào?

Để chuyến đi được thuận lợi bạn nên đến đây vào khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 4 hàng năm. Đây là lúc chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè, thời tiết khá mát mẻ, dễ chịu.

7. Trải nghiệm các hoạt động tại làng gốm Thanh Hà

7.1 Khám phá lịch sử làng gốm Thanh Hà với hơn 500 năm

Tại đây được mệnh danh là công viên gốm lâu đời với 500 tuổi đời. Một số tài liệu cho biết rằng, người dân sinh sống tại làng gốm Hội An có nguồn gốc từ Thanh Hóa, Nam Định và Hải Dương. Họ đã di cư, sinh sống tại Hội An và bắt đầu nghề làm gốm từ thế kỉ 15. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1516, vì không hợp phong thủy nên đã dời từ làng Thanh Chiêm sang làng Nam Diêu.

Mùng 10 tháng giêng hàng năm, người dân làm lễ cúng mong tổ nghề phù hộ một năm mới bình yên và phát triển. Nếu du lịch làng gốm vào dịp này, bạn sẽ được trải nghiệm thêm hoạt động thú vị khác. Trong ngày này, bạn sẽ được chứng kiến lễ rước kiệu tổ nghề cùng tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn (chuốt gỗ, nấu cơm niêu,…)

7.2 Các khu vực chính bên trong làng gốm Thanh Hà

Đến đây, du khách sẽ được đưa đi tham quan 2 tòa nhà chính, cũng là biểu tượng cho 2 loại lò nung gốm nổi tiếng của Thanh Hà. 

  • Tòa bên trái có tên gọi là lò úp, là khu vực để trưng bày các hiện vật cổ, được giữ gìn và bảo tồn cho đến tận ngày nay. 
  • Tòa bên phải sẽ là lò ngửa là nơi triển lãm các sản phẩm gốm Thanh Hà cùng với các sản phẩm của các làng nghề khác như Bát Tràng, Phù Lãng,vv…trên khắp cả nước.

Nối giữa hai tòa nhà chính là một hành lang nhỏ, với ý nghĩa là sự chuyển tiếp giữa truyền thống và hiện đại. Trong quá trình tham quan, bạn có thể ghi lại những bức ảnh để lưu giữ làm kỷ niệm.

7.3 Tham quan công viên Đất nung Thanh Hà

Làng gốm Thanh Hà sở hữu khuôn viên rộng với những sản phẩm đẹp khó cưỡng được làm từ gốm. Nơi đây thu hút nhiều du khách với kiến trúc độc đáo xây dựng bởi gạch và đất nung.

Đây cũng chính là một nét hấp dẫn riêng của làng gốm Thanh Hà khi công viên đất nung cũng là nơi trưng bày những tác phẩm từ gốm là mô hình thu nhỏ của các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam cũng như là các kỳ quan nổi tiếng của thế giới. Bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng tất cả những tác phẩm đầy nghệ thuật này lại được nhào nặn bởi bàn tay đầy khéo léo của những nghệ nhân làm gốm ở đây.

Bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng đền Taj Mahal, niềm tự hào của ấn độ, nhà hát Opera Sydney, Kim Tự Tháp hay Nữ Thần Tự Do,…Tất cả nhưng kỳ quan ấy sẽ được tái hiện chân thực và độc đáo qua những sản phẩm gốm nung đẹp mắt.

7.4 Khám phá phong cảnh làng quê bình yên

Bên cạnh những hoạt động hấp dẫn như tự tay làm gốm hay tham quan và khám phá công viên đất nung thì các bạn cũng có thể tận hưởng phong cảnh làng quê bình yên trong trẻo tại đây với những hình ảnh cây đa, bến nước thân thuộc, quang cảnh vùng quê với 23 hộ dân có lưu truyền nghề làm gốm mộc.

Ngôi làng gốm Thanh Hà Hội An vừa có sức hút lớn bởi cảnh quan thiên nhiên và cũng được tô điểm thêm bởi những món đồ gốm có giá trị tinh thần và nghệ thuật to lớn. Đồng thời là nét đẹp văn hóa cần được trân quý và lưu truyền theo thời gian.

7.5 Hiểu hơn về quy trình chuốt gốm ở làng gốm Thanh Hà

Chuốt gốm chính là một nghệ thuật làm gốm nổi tiếng ở làng gốm Thanh Hà. Để có thể nên những sản phẩm gốm như chụm vại, nồi niêu đất sét phải được đem lọc thật kỹ để có độ mịn. 

Người làm gốm sẽ đưa chúng lên bàn xoay để tự mình “chuốt” gốm theo ý tưởng riêng, bàn tay càng khéo léo sản phẩm sẽ càng có độ tinh tế và sắc nét. Để có thể làm được điều này cần đến người thợ phải có 4,5 năm trong nghề.

Sau khi hoàn thiện khâu chỉnh sửa, các sản phẩm gốm sẽ được đem ra phơi dưới ánh nắng mặt trời để nung cho khô lại. Sau nhiều ngày, gốm sẽ dần chuyển sang màu đỏ đất rất đẹp. Đặc biệt, để có thể mang lại màu sắc đẹp cũng như chất lượng gốm sử dụng được lâu thì cũng phải phụ thuộc vào thời tiết nữa.

7.6 Chứng kiến các nghệ nhân trình nghề chuốt gốm tại làng Thanh Hà

Với tay nghề lâu năm, người nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo đã tạo ra sản phẩm mang vẻ đẹp truyền thông đi vào lòng người. Trước đây, làng gốm Thanh Hà Hội An có tới 30 bàn xoay, trăm lò nung và hàng ngàn người thợ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 8 lò gốm với hơn 35 thợ chính.

Dù số lượng đã giảm đi một cách đáng kể nhưng đôi bàn tay khéo léo ấy không khiến bạn thất vọng với sự tinh tế trong từng sản phẩm gốm Thanh Hà. Khi đến làng gốm du khách sẽ được tận mắt quan sát quy trình tạo ra gốm mỹ nghệ chi tiết và sống động nhất. Thế nên, đây là một hoạt động được du khách ưa thích nhiều nhất khi đến đây.

7.7 Tự tay làm ra sản phẩm tại làng gốm Hội An

Một trong những trải nghiệm được rất nhiều người yêu thích khi đến với làng Thanh Hà đó là tự tay làm ra một sản phẩm gốm. Ngoài quan sát, bạn cũng sẽ không thể bỏ lỡ việc tự tay làm ra một sản phẩm gốm. 

Tại đây, bạn có thể hóa thân thành những người thợ trải qua những công đoạn khó khăn để có thể tạo ra sản phẩm gốm hoàn mỹ. Bạn sẽ được thực hiện mọi công đoạn từ nhào đất, nặn thành khuôn, chuốt trên bàn xoay cho tới khi đưa vào lò. Bạn đừng bỏ qua trải nghiệm có 1 không 2 này nhé.

Và bạn cũng đừng quá lo lắng nếu không thể thực hiện được. Bởi vì những nghệ nhân sẽ hướng dẫn tận tình để bạn có được sản phẩm hoàn thiện nhất. Cuối cùng, bạn có thể đi tham quan xung quanh rồi trở lại để nhận thành phẩm của mình nhé.

7.8 Chiêm ngưỡng các sản phẩm nổi bật ở làng gốm Thanh Hà, Hội An

Đến với làng gốm Thanh Hà, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những sản phẩm đất nung truyền thống như nồi, niêu, chum, vại,.... Cùng với đó, các sản phẩm mỹ nghệ có giá trị cao như các bức phù điêu, tượng, đồ trang trí cũng tạo nên nét đẹp đa dạng, phong phú hơn cho nơi này.

7.9 Mua những món đồ lưu niệm độc đáo

Đến với Thanh Hà, bạn cũng đừng quên chọn mua cho mình một vài món đồ lưu niệm độc đáo để làm kỷ niệm. Tại đây các nghệ nhân có bán các sản phẩm thông dụng như chén, bát, bình hoa, chậu cây, những con tò he,.. để trang trí và làm kỷ niệm cho chuyến hành trình tham quan làng gốm của bạn nữa đấy.

8. Ở đâu khi du lịch tại đây?

Ở gần khu vực phố cổ Hội An có rất nhiều khách sạn, homestay xinh xắn mọc lên, nên khi du lịch làng gốm Thanh Hà bạn hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn một điểm dừng chân vào buổi tối nhé. Ximgo giới thiệu cho bạn một số homestay, nhà nghỉ đẹp dưới đây:

8.1 Loongboong Homestay Hội An

Tọa lạc chỉ cách trung tâm Hội An 0,8km, Loongboong Homestay Hội An không chỉ có tầm nhìn rất đẹp hệt như khu vườn cổ tích, mà còn có các phòng được bài trí rất thanh nhã và dịch vụ tận tình. Loongboong Homestay có giá rất phải chăng, chỉ từ 300.000 – 600.000 VNĐ/ phòng.

8.2 Old Yellow House Hội An

Old Yellow House nằm ở ngay trung tâm phố cổ Hội An, rất thuận tiện cho việc đi lại và tham quan thành phố cổ kính và xinh đẹp này. Khiêm tốn nép mình trong một con ngõ nhỏ, Old Yellow House mang lại cảm giác yên bình, thư thái như là “nhà”. Old Yellow House có diện tích không lớn, chỉ thích hợp với các cặp đôi hoặc những nhóm ít người hoặc đi một mình. Giá phòng ở đây dao động từ 200.000 – 500.000 VNĐ/ phòng.

8.3 Mali Home 1

Nằm lọt thỏm trong vườn cây xanh, Mali Home 1 là homestay Hội An cực kỳ thanh bình và yên tĩnh. Trên tầng thượng của homestay này còn có nơi để ngắm trăng, thưởng trà. Và đặc biệt nhất là chú chó Mali quấn quýt khiến người ta không muốn rời. Giá phòng dao động từ 310.000 – 450.000 VNĐ/ phòng.

8.4 Khách sạn Golden river Hotel

Khách sạn này nằm tại khu vực trung tâm Phố cổ Hội An và cách biển cửa Đại 3km. Golden river được du khách đánh giá cao bởi khuôn viên sạch sẽ, yên tĩnh, lý tưởng giúp bạn và gia đình tận hưởng những giây phút yên bình khi nghỉ dưỡng. Giá phòng: từ 435.000VND/phòng.

9. Thưởng thức món ăn gì khi đến đây?

9.1 Cao Lầu Hội An

Khi nhắc tới ẩm thực Hội An, chắc chắn bạn sẽ chẳng thể nào bỏ qua món Cao Lầu, món ăn được nhiều người biết tới và được coi như đặc sản của vùng đất này. Đã có rất nhiều du khách đã bình chọn món cao lầu chính là đặc sản ấn tượng nhất của xứ Quảng. 

9.2 Bún mắm nêm Hội An

Mặc dù có tên gọi nghe khá giống với món bún mắm ở miền Tây, nhưng về hương vị và cách chế biến món ăn này lại khác xa nhau hoàn toàn. Những ai khi đã thưởng thức bún mắm tại Hội An một lần thì chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi không thôi.

9.3 Cơm gà Hội An

Bằng sự khéo léo, tinh tế và tỉ mỉ, người Hội An đã tạo nên một món cơm gà thơm ngon, hương vị ấn tượng, đủ để du khách nhớ về và được gọi bằng một cái tên riêng “cơm gà phố Hội”. Đĩa cơm gà phố Hội thường trất nhiều màu sắc với cơm vàng, hành phi thơm, thịt gà, đu đủ chua, hành tây, rau thơm Trà Quế, ăn kèm còn có một bát nhỏ súp trộn tim, cật, gan gà ăn cùng để tăng hương vị hấp dẫn của món ăn.

9.4 Bánh Bao - Bánh Vạc

Bánh bao thì không còn quá xa lạ nhưng bánh vạc thì thực sự là món ăn bạn nên thử vào buổi sáng. Bánh được nặn từ bọt gạo tẻ, nhân bên trong thường là thịt tôm băm nguyễn với nấm, nhân đậu xanh giã nguyễn, rồi đem đi hấp chín. Trên bánh được rắc thêm hành khô, được chấm ăn cùng nước chấm chua chua ngọt ngọt.

9.5 Bánh mì Hội An

bạn nên quán Madam Khánh hoặc quán bánh mì Phượng, đây là 2 tiệm bánh mì được rất nhiều các du khách trong và ngời nước đánh giá là “ngon nhất thế giới”. Điểm đặc biệt giúp 2 quán này níu chân được du khách đó là nước sốt bí truyền của riêng họ. Loại nước sốt  này có vị rất đặc biết, ngon và cũng chỉ có người kế thừa tiệm bánh mới được biết mà thôi.

10. Lưu ý và kinh nghiệm

  1. Nếu như du khách đến tham quan du lịch làng gốm Thanh Hà vào dịp lễ hội (ngày 10 tháng 7 âm lịch) thì còn được tham gia vào các trò chơi dân gian ở đây. 
  2. Người dân ở đây khá nhiệt tình và hiếu khách, đặc biệt là việc mời chào mua các món đồ. Các bạn có thể mua ủng hộ để mang về làm quà dành tặng cho người thân, mỗi món đồ tại đây đều là công sức làm thủ công của người thợ làm gốm nên các bạn cố gắng hạn chế việc mặc cả nhé.
  3. Khi tự tay làm gốm các bạn có thể nhờ người dân tại đây chỉ dẫn các công đoạn tuy nhiên không nên đến gần khu vực lò nung. Ngoài ra có 2 khu bao gồm là khu làng gốm thủ công và khu công viên đất nung của chủ đầu tư tư nhân. Các bạn nên lựa chọn cả 2 nơi làm địa điểm tham quan vì có khá nhiều điều thú vị hấp dẫn mà bạn không nên bỏ lỡ đâu.

Trên đây là một vài kinh nghiệm du lịch làng gốm Thanh Hà mà Ximgo muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp ích được phần nào cho chuyến đi của các bạn sắp tới. Ximgo chúc các bạn có hành trình vui vẻ!

Xem thêm thông tin du lịch Hội An tại đây.

Nguồn ảnh: internet/ IG

#Trải nghiệm các hoạt động tại làng gốm Thanh Hà #Ở đâu khi du lịch tại đây #Thưởng thức món ăn gì khi đến đây #Lưu ý và kinh nghiệm #du lịch Quảng Nam #Hội An #Giới thiệu về làng gốm Thanh Hà #Làng gốm Thanh Hà ở đâu #Hướng dẫn cách di chuyển đến làng gốm #Giá vé tham quan #Bản đồ đường đi tham quan làng gốm Thanh Hà #Nên đi tham quan làng gốm Thanh Hà vào thời điểm nào #

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Giang
Giới thiệu về tác giả: Cô gái đến từ HAT