Tham quan Chùa Mía - Cách đi, Điểm khám phá, Lưu ý

1. "Bài học vỡ lòng" về chùa Mía

Nổi tiếng với bề dày lịch sử từ bao đời nay, Sơn Tây sở hữu cho mình một số lượng điểm du lịch đáng nể và vẫn luôn là một chốn dừng chân thú vị nơi ngoại thành Hà Nội dành cho những ai đam mê khám phá, trải nghiệm. Bên cạnh hồ Đồng Mô long lanh phản chiếu sắc trời, thành cổ Sơn Tây phủ đầy rêu phong năm tháng, chúng ta không thể không kể đến làng cổ Đường Lâm - ngôi làng mang bao giá trị truyền thống văn hoá và lịch sử dân tộc. Nếu đã có dịp ghé thăm làng cổ Đường Lâm, các bạn chắc chắn phải ghé qua chùa Mía nữa nhé!

Chùa Mía (hay còn gọi là Sùng Nghiêm tự) toạ lạc trên miền đất của vùng thôn quê xứ Đoài giàu truyền thống văn hoá và lịch sử. Nơi đây là vùng đất hội tụ một quần thể di tích bao gồm rất nhiều đền chùa, miếu mạo, phản ánh sâu sắc quá trình xây dựng và bảo tồn những di tích xa xưa. 

Chùa Mía (Nguồn: Instagram @chuminhduong1996).

Địa chỉ: Dông Sàng, Ba Vì, Hà Nội.

Theo sử sách ghi chép lại, chùa Mía đã được khởi công xây dựng từ xa xưa. Năm 1632, phi tần Ngọc Diệu (Ngô Thị Ngọc Diệu) trong phủ chúa Trịnh Tráng - vốn là người làng Nam Nguyễn (Nam An) trong Tổng Mía - thấy miếu quá hoang tàn nên đã cùng gia đình và người dân trong các làng thuộc Tổng Mía tôn tạo, tu sửa lại. Để tưởng nhớ công ơn của bà, người đời đã gọi bà là "Bà Chúa Mía" và tạc tượng của bà, đưa vào thờ ở chùa, thậm chí còn có đền thờ riêng. Về sau, tuy trải qua nhiều lần trùng tu nhưng quy mô tôn tạo từ thời của phi tần Ngọc Diệu hầu như vẫn còn vẹn nguyên như thuở ban sơ.

2. Hành trình ghé thăm chùa Mía

Toạ lạc tại vùng ngoại ô Hà Nội, việc di chuyển đến chùa Mía đối với du khách sẽ khá thuận tiện. Các bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe bus hoặc bằng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy,...) tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi người nha!

2.1. Di chuyển bằng xe bus

Nếu lựa chọn di chuyển bằng xe bus, Ximgo sẽ liệt kê cho các bạn một vài chuyến bus sau.

  • Tuyến xe bus số 70: Bến xe Kim Mã - Bến xe Sơn Tây.
  • Tuyến xe bus số 71: Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây.
  • Tuyến xe bus số 77: Bến xe Hà Đông - Bến xe Sơn Tây.

Sau khi xuống bến xe Sơn Tây, các bạn có thể gọi xe ôm hoặc taxi để vào làng cổ Đường Lâm nhé!

2.2. Di chuyển bằng phương tiện cá nhân

Nếu di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy, các bạn có thể lựa chọn cho mình hai cung đường sau để ghé thăm chùa Mía.

  • Cách thứ nhất: Đi theo đường Nguyễn Trãi (QL6) → Khuất Duy Tiến → Đi theo ĐCT08 (Đại lộ Thăng Long) → ĐCT419 (Thị trấn Quốc Oai) → Đi theo lối ra Đường 80 từ ĐCT08 → Đi dọc theo ĐCT419 → Lạc Trị (QL32) tại thị trấn Phúc Thọ → Làng cổ Đường Lâm. Nếu chọn cung đường này, bạn sẽ mất khoảng 1h5' (47,8km) để đến được làng cổ Đường Lâm.
  • Cách thứ hai: Đi theo đường Nguyễn Trãi (QL6) → Khuất Duy Tiến → Đi dọc theo ĐCT08 → Tiến Xuân → Bình Yên → Đi dọc theo QL21A → Làng cổ Đường Lâm. Nếu chọn cung đường này, bạn sẽ mất khoảng 1h19' (59,2km).
  • Cách thứ 3: Đi theo đường Nguyễn Trãi (QL6) → Khuất Duy Tiến → ĐCT08 và cầu Yên Bài → Xuân Khanh (Thị xã Sơn Tây) → Làng cổ Đường Lâm.
Quãng đường từ trung tâm thành phố Hà Nội đến chùa Mía (làng cổ Đường Lâm) theo 03 cách.

Giá vào cửa: Làng cổ Đường Lâm không thu bất cứ chi phí nào của du khách đến thăm quan nên các bạn có thể thoải mái đến làng và vào chùa Mía thăm thú nhé. Nếu bạn nào đi xe máy hoặc phương tiện cá nhân, các bạn chỉ cần bỏ thêm khoảng 5.000 đồng - 20.000 đồng phí gửi xe thôi nhé!

3. Theo chân Ximgo lạc bước cùng chùa Mía

Từ xa tiến gần lại, du khách sẽ nhìn thấy ngay ở cổng Tam Quan chùa Mía đang treo một quả chuông cổ đúc vào thời Lê năm 1745 cùng một chiếc khánh đồng được đúc vào năm 1846 thời Nguyễn. Vào bên trong, ngay bên cạnh cổng chùa là một cây đa cổ thụ sừng sững, toả bóng ôm trọn cổng chùa, cùng nhau vượt qua bao thế sự nhân gian.

Từ Tam Quan đi vào trong chùa, nếu hướng ánh mắt về phía bên phải, du khách sẽ thấy ngay toà tháp Cửu Phẩm Liên Hoa đang đứng uy nghiêm ngay tại đó. Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là toà tháp chỉ mới được xây dựng vào thời gian gần đây, cao 13m, 09 tầng với mục đích thờ vọng Xá Lợi Đức Phật, đồng thời có vai trò như ngọn bút kình thiên, trấn giữ mạch văn luôn luôn yên ổn cho chính làng cổ Đường Lâm. Do lối kiến trúc đặc biệt, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là nơi được khá nhiều bạn trẻ lựa chọn để check-in.

Các bạn trẻ tạo dáng check-in bên tháp Cửu Phẩm Liên Hoa (Nguồn: Instagram @thuybe95).

Dọc theo lối vào chùa sẽ đến cổng trong. Cổng trong của chùa được xây theo kiểu "tường hoa chắn mái". Phần nối giữa hai cột trụ cổng được trang trí với hình một cuốn thư, chính giữa cuốn thư có đắp nổi ba chữ "Sùng Nghiêm Tự", hai bên được chạm khắc hình rồng uốn lượn vô cùng tinh xảo, góp phần tô điểm thêm nét uy nghiêm của chùa.

Cổng trong chùa Mía (Nguồn: Facebook @Thu Thuy Le).

Bước qua cổng trong là một khoảng sân gạch rộng rãi, thoáng mát, dẫn đến khu nội điện, gồm tiền đường, đại hùng, bảo điện, thượng điện được sắp xếp theo cấu trúc "nội công ngoại quốc". Dãy hành lang được thiết kế theo hình chữ Mục, khiến cho ban thờ này nối tiếp ban thờ kia.

Khoảng sân gạch dưới ánh nắng (Nguồn: Facebook @Thu Thuy Le).

Nổi tiếng là nơi thâm nghiêm và thanh tịnh, Sùng Nghiêm Tự còn chứa đựng nhiều nét văn hoá kiến trúc độc đáo của một ngôi chùa Việt cổ. Nét đẹp của ngôi chùa cổ làng Đường Lâm đã thu hút được rất nhiều du khách tới thăm, không chỉ bởi tuổi đời lâu năm của chùa, mà còn là bởi số lượng tượng Phật khổng lồ toạ tại nơi đây. Chùa Mía là một ngôi chùa sở hữu nhiều pho tượng cổ nhất Việt Nam. Chùa có đến 287 pho tượng kể cả lớn nhỏ. Hầu hết đều là những bức tượng có từ khi thành lập chùa. Mỗi bức tượng là một câu chuyện riêng, ca ngợi những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của con người, của dân tộc Việt Nam ta.

Hệ thống 287 pho tượng Phật tại chùa Mía (Nguồn: Facebook @Thu Thuy Le).

Trong số 287 pho tượng có giá trị lớn, có 06 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng được làm bằng đất nung, son son thếp vàng. Các pho tượng này, cho dù là được đúc, nặn hay được chạm khắc cũng đều mang trong mình giá trị nghệ thuật rất cao, cũng như là nét biểu trưng cho sự khéo léo, tài hoa của đôi bàn tay những người thợ xưa. Nhiều pho tượng Phật thậm chí được coi như tác phẩm của nghệ thuật tạo hình nước Việt, nổi bật như tượng Tam Thế Phật, tượng Đức A Di Đà, tượng Di Lặc, tượng Phạm Thiên Đế Thích, tượng 18 vị La Hán, tượng Quan Âm Tống Tử,...

Tượng Quan Âm Tống Tử (Nguồn: Facebook @Vương Danh Thuân).

Mặc dù ở bên ngoài là chợ Mía ồn ào, tấp nập nhưng khi bước vào chùa, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí vô cùng an nhiên, thư thái.

4. Kiếm tìm nơi trú ngụ tại làng cổ Đường Lâm

Do làng cổ Đường Lâm chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn một giờ di chuyển nên du khách đến đây sẽ thường chỉ thăm thú trong một ngày. Chính vì vậy, dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn tại đây vẫn chưa có cơ hội để thực sự phát triển. Tuy nhiên, vẫn có những du khách nước ngoài, hoặc cũng có thể là du khách trong nước do ở xa nên vẫn muốn lưu trú tại nơi đây một đêm, tận hưởng không khí trời đêm trong veo nơi ngoại thành an tĩnh. Các bạn có thể tham khảo một vài khách sạn ở làng cổ mà Ximgo sưu tầm được nhé!

4.1. Đuong Lam Homestay

Đuong Lam Homestay sẽ là một điểm dừng chân và nghỉ ngơi khá lý tưởng cho những ai muốn ở lại qua đêm tại làng cổ. Nơi đây có không gian vô cùng sạch sẽ và bình yên với thiết kế nhà gỗ, cộng thêm vị trí nằm ở trung tâm của làng cổ, là một địa điểm vô cùng thú vị để du khách có thể trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống an yên giống như một người dân của làng cổ Đường Lâm.

Phòng nghỉ trong Duong Lam Homestay (Nguồn: Facebook @Duong Lam Homestay).

Địa chỉ: Xóm Hè, Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.

Hotline: 091 206 95 30.

Mức giá: Khoảng 400.000 đồng.

4.2. Chicken's House - Đường Lâm Homestay

Chicken's house - Đường Lâm Homestay là một homestay cung cấp địa điểm nghỉ ngơi rất phù hợp cho nhóm nhỏ hoặc gia đình. Homestay có vị trí nằm bên trong làng cổ, sở hữu không gian vô cùng yên tĩnh và thoải mái. Bên cạnh đó, trong tất cả các phòng nghỉ đều có đầy đủ khu vực ghế ngồi, khu vực ăn uống cũng như nấu nướng rất đầy đủ và tiện nghi như lò vi sóng, tủ lạnh, lò nướng,... Chính vì thế, các bạn không cần quá lo lắng về vấn đề ăn uống của mình tại nơi đây nhé! Bên cạnh đó, Chicken's House - Đường Lâm Homestay còn được đánh giá rất cao do có chủ nhà vô cùng thân thiện và chu đáo.

Phòng nghỉ trong Chicken's House - Đường Lâm Homestay (Nguồn: Facebook @Nguyễn Phương).

Địa chỉ: Xóm Chim, Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.

Điện thoại: 0868 651 480.

Mức giá: Khoảng 400.000 đồng.

Trên đây là một số homestay ở làng cổ Đường Lâm mà Ximgo đã tổng hợp. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm về các homestay cũng như giá cả, dịch vụ,... tại đó để đảm bảo chuyến đi của mình sẽ trở nên hoàn hảo nhất có thể nhé!

5. Những món ngon nhất định phải thử ở Đường Lâm

Đến làng cổ Đường Lâm, chúng mình sẽ không chỉ được thăm quan những ngôi nhà cổ được xây bằng đá ong vô cùng mát mẻ, thăm chùa Mía với trăm năm lịch sử thiêng liêng,... mà bên cạnh đó, các bạn sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản tuyệt vời, vừa dân dã vừa mang bao giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của quê hương Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể đến chính là kẹo dồi, kẹo lạc, chè kho, bánh tẻ, tương quê, khoai nướng, bánh đa, thịt quay đòn, gà mía,... cùng vô vàn những món ăn thú vị khác. Ximgo khuyên bạn nên sắp xếp thời gian thăm thú thật hợp lý để có thời gian thưởng thức được các món ngon này một cách nhiều nhất có thể nhé!

Chè kho - một trong những đặc sản của làng cổ (Nguồn: Facebook @Đặc sản Đường Lâm - xứ Đoài).

6. Cần lưu tâm điều gì khi đến thăm quan chùa Mía - làng cổ Đường Lâm?

  • Trước khi vào thăm chùa cũng như thăm làng, nếu có đi phương tiện cá nhân, các bạn cần gửi đúng nơi quy định.
  • Là một nơi giàu truyền thống văn hoá, hãy chào hỏi người lớn nếu bạn có bắt gặp họ.
  • Ở bất cứ đâu cũng vậy, các bạn cần chú ý không được vứt rác bừa bãi.
  • Không nên mặc đồ quá ngắn, quá phản cảm khi vào chùa Mía.
  • Trước khi chụp ảnh check-in, các bạn nên xin phép gia chủ.
  • Không nên quay lưng chính diện vào chùa khi chụp ảnh.
  • Khi chụp ảnh không nên quay lưng chính diện vào đình, đền, chùa.

Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm, cách đi và những lưu ý mà Ximgo đã sưu tập và chọn lọc để gửi tới bạn đọc. Mong rằng những thông tin Ximgo cung cấp sẽ góp phần giúp cho chuyến đi của các bạn trở nên dễ dàng và hoàn hảo hơn. Nếu đôi chân của các bạn vẫn chưa muốn dừng lại ở mỗi làng cổ Đường Lâm, các bạn có thể tham khảo list những địa điểm du lịch đáng trải nghiệm ở ngoại ô Hà Nội tại đây nhé!

#chùa Mía #ghé thăm chùa Mía #làng cổ Đường Lâm #du lịch ngoại thành Hà Nội #du lịch Hà Nội

Tác giả: Trần Thị Hải Vân
Giới thiệu về tác giả: Phần giới thiệu tác giả Trần Thị Hải Vân