Về Kiên Giang nhớ ghé thăm tượng đài Chị Sứ
Nằm ở vị trí trung tâm trong khu di tích lịch sử Hòn Đất thuộc tỉnh Kiên Giang, tượng đài chị Sứ là minh chứng cho cuộc chiến tranh thảm khốc đã qua và là tấm gương người chiến sĩ quả cảm hy sinh vì dân tộc thời ấy. Nếu những cảnh đẹp non sơn nước biếc dễ dàng thuyết phục chúng ta tìm về với Kiên Giang thì đừng quên viếng thăm tượng đài chị Sứ - nơi gợi nhắc cho chúng ta tinh thần dân tộc bất khuất, niềm tự hào về vẻ đẹp của người con gái Việt Nam kiên cường, có tấm lòng cao đẹp đã hi sinh vì hòa bình hôm nay. Hãy cùng Ximgo chúng mình ghé thăm tượng đài chị Sứ để ôn lại câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa này nhé!
1. Giới thiệu về Tượng đài chị Sứ
Cái tên thân thuộc “chị Sứ” thực chất xuất phát từ tác phẩm nghệ thuật Hòn Đất của nhà văn Anh Đức. Tác phẩm mô tả cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân dân huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, (nay là huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) trong cuộc chiến chống Mỹ. Ngay khi tác phẩm ra đời, tác giả đã được trao tặng giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu (1966) và từ đó đến nay được tái bản nhiều lần, bằng nhiều thứ tiếng. Chị Sứ trong tác phẩm được xây dựng từ nguyên mẫu của một nữ anh hùng “bằng xương bằng thịt” có tên thật là Phan Thị Ràng, bí danh Tư Phùng.
Chị Phan Thị Ràng, sinh năm 1937, quê xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Chị là người con gái thứ ba trong gia đình 5 anh chị em, cha mất sớm nên chị vừa phụ mẹ đảm đương việc nhà vừa phải làm lụng kiếm tiền. Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, chị sớm bộc lộ tính đảm đang, khéo léo, nhanh nhẹn hơn những người bạn trang lứa. Năm 13 tuổi, chị tham gia Đội Thiếu niên Cứu quốc ở xã Xà Tón. Khi ấy gia đình chị trở thành trạm liên lạc của Công binh xưởng tỉnh Long Châu Hà. Năm 1960, chị về công tác tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang, với nhiệm vụ hoạt động trinh sát, kiêm phụ trách thanh vận và giao liên. Đêm ngày 8 rạng 9/1/1962, trên đường làm nhiệm vụ, chị bị địch bắt, tra tấn và hy sinh khi mới bước sang tuổi 25. Sau giải phóng, liệt sĩ Phan Thị Ràng được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Cuộc kháng chiến thời gian ấy cũng đã có nhiều chiến sĩ hy sinh, trong đó tiêu biểu là chị Sứ nên tỉnh Kiên Giang đã lấy tên tượng đài chị Sứ để tưởng niệm, góp phần tôn vinh, tưởng nhớ công đức của các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Đặc biệt những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư tôn tạo nhiều công trình nằm trong khu di tích lịch sử Ba Hòn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang). Khu du tích nói chung và tượng đài chị Sứ nói riêng cũng đồng thời đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thời nay. Tại đây ngày 9/1 hàng năm, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân đã long trọng tổ chức lễ giỗ Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng nhằm tạo điều kiện cho người dân về dâng hương, tưởng niệm và cùng ôn lại những tấm gương lịch sử điển hình.
2. Tham quan Tượng đài chị Sứ
Đi theo quốc lộ 80 từ Tp. Rạch Giá đến thị trấn Hòn Đất thì thấy biển hướng dẫn đến mộ chị Sứ ngay trên cột cây số. Đi thêm 13km nữa thì gặp mộ chị nằm dưới chân núi Hòn Đất, thuộc xã Thổ Sơn, gần ngay khu Vườn xoài là nơi chị hy sinh. Đứng bên ngôi mộ chị, thắp nén tâm nhang, nhìn lên di ảnh chân dung của người phụ nữ Nam Bộ hiền dịu, du khách như sống lại một thời hào hùng của những người con gái miền Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Phía sau ngôi mộ là những bậc thang đá dẫn lên sườn đồi, nơi dựng bức phù điêu làm bằng đá hoa cương khắc tên gần 1.000 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau khi thăm mộ chị Sứ, du khách có thể vào tham quan các hang động (núi), với vô số hốc, ngách đan xen vào nhau dùng che giấu thương binh, tích trữ nước, lương thực, làm nơi trú ẩn của lực lượng cách mạng.
Nằm trong khu di tích lịch sử Hòn Đất, chính quyền địa phương đã cho xây dựng nhiều công trình tưởng niệm. Theo tổng thể, dưới chân Hòn Đất đi từ ngoài vào là cổng chào, sân bãi, nhà tưởng niệm, khu trưng bày hiện vật, bức phù điêu, tượng đài chiến thắng, đường vòng,...
Vào đầu tháng 1 hằng năm, Lễ hội Phan Thị Ràng được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa – du lịch – thể thao đa dạng, thu hút hàng chục ngàn du khách bốn phương về dự hội, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Kiên Giang. Phần lễ có các nghi thức theo phong tục truyền thống đó là lễ dâng hương tưởng niệm, đại lễ cầu siêu, lễ cầu quốc thái dân an. Về phần hội có nhiều hoạt động phong phú đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân như: Biểu diễn lân sư rồng, tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật, chiếu phim tài liệu lịch sử, Hội chợ ẩm thực, văn nghệ thiếu nhi, đờn ca tài tử, bán hàng lưu niệm vv.... Đặc biệt phần tổ chức du lịch có các hoạt động như thăm quan các hang động nổi tiếng trong kháng chiến như : Hang Quân y, hang Huyện ủy, Điện Mặt trăng.... Ngoài ra còn có Trung tâm phát sóng truyền hình Hòn Me, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã v.v...Lễ hội Phan Thị Ràng (Chị Sứ) thực sự đã trở thành một sự kiện văn hóa lịch sử truyền thống hàng năm đầy cảm xúc trên quê hương người nữ liệt sĩ anh hùng và ngày càng thu hút đông du khách về dự hội.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chị Sứ hy sinh, Hòn Đất hôm nay không chỉ là địa danh lịch sử mà còn là vùng đất du lịch nổi tiếng với cái tên Ba Hòn: Hòn Đất, Hòn Sóc và Hòn Me. Lên đỉnh của Ba Hòn, trải rộng ra trước mắt là một vùng biển bao la, nhìn thấy đảo Phú Quốc lung linh ánh đèn giữa màu xanh của biển. Đi qua Hòn Sóc, du khách sẽ bắt gặp một cánh đồng lúa chạy tít tắp, sát mé đường là Trường PTTH Phan Thị Ràng khá khang trang. Leo lên Hòn Me bắt gặp tháp ăng ten truyền hình cao ngút, ngó lưng chừng núi là ngôi chùa cổ tấp nập khách hành hương, còn dưới chân núi là mặt biển trong xanh hút tầm nhìn.
3. Lưu ý khi viếng thăm Tượng đài chị Sứ
Du khách có thể viếng thăm tượng đài chị Sự vào bất kỳ thời điểm nào trong năm vì khu di tích luôn mở cửa cho mọi người tới thăm quan và thắp hương tưởng niệm. Tuy nhiên, nếu có thể đi vào dịp lễ hội đầu tháng 1, bạn sẽ có nhiều trải nghiệm hơn khi được tham gia vào các phần lễ viếng cũng như các hoạt động du lịch mang đậm văn hóa dân tộc, vùng miền. Khu di tích là nơi linh thiêng, chúng ta cần có tác phong lịch sự khi thăm quan cũng như dâng hương. Trong quá trình tham quan, mọi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ môi trường xung quanh. Đối với những ai đưa theo trẻ nhỏ hoặc người già đi tham gia lễ hội hoặc viếng thăm tượng đài, cần theo sát để đảm bảo an toàn chỗ đông người và cả những bậc đá lên xuống. Đặc biệt với trẻ nhỏ, không để các em tự ý đi vào những hang núi, hốc, ngách phía sau tượng đài.
Ngoài những chuyến thưởng ngoạn đến những địa điểm nên thơ của Hòn Đất, viếng thăm tượng đài chị Sứ chắc chắn sẽ là chuyến đi về nguồn đầy ý nghĩa. Sống trong thời bình ngày nay, chúng ta nên một lần tìm về những nơi đã gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng tưởng niệm những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đây cũng là dịp để mỗi người cảm thấy tự hào về người chiến sĩ Việt Nam, tiêu biểu ở vùng đất này là người phụ nữ đảm đang, trung hậu mang một cái tên thân thuộc “chị Sứ”, để khi nhớ lại chúng ta biết ơn và trân trọng hơn cuộc sống ở hiện tại.
Đọc thêm bài viết "Khám phá điều thú vị tại Bảo tàng Thế giới Cà phê Đắk Lắk"
Nguồn ảnh: internet/ IG