Về thăm cột cờ Nam Định - chứng nhân của lịch sử
Nam Định - vùng đất anh hùng, ngoài những chùa chiền nổi tiếng thiêng liêng hay những công trình kiến trúc Công giáo, nơi này còn nổi tiếng với những di tích lịch sử vốn đã đi cùng tháng năm. Cùng tìm hiểu ngay về cột cờ Nam Định - chứng nhân của lịch sử nhé!
1. Giới thiệu cột cờ Nam Định
Đối với người dân Nam Định, hình ảnh cột cờ Nam Định gần như đã trở nên quá quen thuộc và là niềm tự hào của miền đất anh hùng này. Cột cờ Nam Định có tên khác là cột cờ Thành Nam, được xây dựng vào thế kỷ XIX, vì vậy đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong lịch sử. Ghé thăm di tích này, bạn sẽ được chứng kiến vẻ trầm mặc, cổ kính, trang nghiêm nhưng không kém phần hòa nhã, thanh tịnh của cột cờ Nam Định, với những bậc thang đá nhiều rêu phong và lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên nóc như một biểu hiện cho hào khí anh hùng dân tộc.
1.1 Lịch sử cột cờ Nam Định
Nhiều người cho rằng, cột cờ Nam Định được xây dựng cùng thời với cột cờ Hà Nội, vào khoảng năm 1812, năm Gia Long thứ 11 ở phía nam nội thành, cách Vọng cung khoảng 100m. Trải qua nhiều lần tu sửa, đến năm 1843, cột cờ Nam Định mới được hoàn thành. Di tích này gắn liền với rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: năm 1883, tàu chiến của Pháp tấn công thành, để lại trên cột cờ vết đạn cắm sâu 4cm; cột cờ Nam Định cũng được chọn làm căn cứ liên lạc, sinh hoạt, chỉ đạo phong trào vào thời kỳ hoạt động bí mật. Năm 1967, di tích này chịu ảnh hưởng bom đạn của giặc Mỹ; nóc cột cờ là nơi tổ quan sát máy bay làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, vào năm 1972, khu vực cột cờ bị sập do bị giặc Mỹ đánh bom. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử trong gần 200 năm như thế, cột cờ Nam Định đã trở thành một chứng nhân lịch sử quý giá và được Bộ Văn hóa & Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp nhà nước.

1.2 Cấu trúc cột cờ Nam Định
Cột cờ Nam Định cao 23.84m, được xây trên hai tầng bệ, có hình dạng trụ vuông, thu nhỏ dần từ dưới lên. Hai phía đông và tây của cột cờ có hai cầu thang xây bằng gạch gồm 10 bậc dẫn lên tầng 2. Trên khuôn cửa Đông có trổ dòng chữ "nghênh húc" (đón nắng ban mai), tại cửa Nam lại được trổ dòng "hướng quang" (hướng về ánh sáng). Bốn mặt bệ cờ đều được xây lan can, trổ gồm 4 cửa.
Thân cột cờ được chia làm hai phần, cao 12.65m, phần dưới có hình trụ bát giáp, phần trên có hình tròn. Cửa vào cột cờ được đặt ở phía nam, bên trong thân cột có 54 bậc thang xoắn ốc dẫn lên đỉnh cột cờ, trên thân cột có những hoa thị để lọt những tia sáng vào, chiếu sáng bên trong. Toàn bộ cột cờ được xây dựng bằng gạch nung già màu đỏ sẫm, gạch lát nền có màu nâu đen.

2. Tham quan cột cờ Nam Định
Ghé thăm Nam Định, chắc chắn bạn không nên bỏ qua địa điểm này. Khuôn viên bên trong di tích được quy hoạch hợp lý và được bao phủ bởi cây xanh, rộng rãi, thoáng mát, thuận lợi cho việc đi dạo. Tham quan cột cờ, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến vẻ cổ kính, trang nghiêm của di tích này in hằn lên những viên gạch, những rêu phong, được chứng kiến lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh bay phấp phới trên nóc cột. Đứng trên cao, bạn có thể phóng tầm mắt ra nhìn cảnh vật xung quanh, thưởng ngoạn làn gió mát lành thổi đến. Không những thế, bạn còn có cơ hội học những bài học về sự thật lịch sử để thấy thêm tự hào về nước nhà.
Ngoài ra, cột cờ Nam Định cũng là một địa điểm chụp ảnh ưa thích của nhiều người khi tham quan di tích này. Cùng tham khảo ngay một số bức ảnh dưới đây nhé!





3. Di chuyển đến cột cờ Nam Định
Để di chuyển đến cột cờ Nam Định có nhiều cách, bạn có thể lựa chọn đi bằng xe khách, xe limousine, tàu hỏa, thậm chí là xe máy, ô tô riêng,... Nếu đi từ Hà Nội, giá vé xe khách có thể rơi vào khoảng từ 100.000đ - 250.000đ/vé, còn giá vé tàu hỏa sẽ dao động từ 81.000đ - 180.000đ/vé. Nếu bạn ở xa hơn thì có thể lựa chọn cách đi tàu hỏa đến thẳng Nam Định hoặc đi máy bay ra Hà Nội rồi bắt xe khách về Nam Định. Đối với những người có tâm hồn thích chinh phục thì có thể tự mình khám phá những cung đường từ Hà Nội dẫn đến di tích này tại đây.
4. Kinh nghiệm tham quan cột cờ Nam Định
Kinh nghiệm tham quan cột cờ Nam Định cho thấy, khi ghé thăm địa điểm này, bạn cần chú ý ăn mặc chỉnh tề, nên mang giày thể thao hoặc giày bệt để di chuyển dễ dàng hơn. Khi tham quan cột cờ Nam Định, hãy nhớ tuân thủ các nội quy của di tích, tránh chạm vào hiện vật, tôn trọng tài sản chung, đi nhẹ nói khé, không xả rác bừa bãi. Khi di chuyển cần cẩn thận, đặc biệt nếu dẫn theo trẻ nhỏ vì ở đây sẽ có nhiều bậc thang, vào ngày mưa có thể sẽ trơn trượt.
Đến đây, bạn có thể đi dạo ngắm cảnh, thưởng ngoạn không gian thoáng mát, yên tĩnh ở di tích này, lại được tìm hiểu về bề dày lịch sử và lối kiến trúc của cột cờ Nam Định.Tuy nhiên để thuận tiện nhất thì hãy chú ý thời tiết trước khi ghé thăm địa điểm này nhé, vì những ngày nhiều sương mù hay có mưa sẽ không phù hợp để tham quan cột cờ Nam Định. Ngoài ra bạn nên kết hợp địa điểm này với các điểm tham quan khác nhé, do xung quanh cột cờ Nam Định thường không có dịch vụ du lịch dồi dào như các điểm khác.